Yên Bái tăng cường sử dụng phân hữu cơ khi giá phân bón tăng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/4/2022 | 2:37:30 PM

YênBái - Trước tình hình giá vật tư phân bón tăng mạnh, người nông dân cần sử dụng các loại phân bón một cách hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí. Về lâu dài, người nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ thay thế phân hóa học để giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập và bảo đảm sản xuất phát triển bền vững.

Nông dân huyện Văn Chấn chăm sóc lúa xuân
Nông dân huyện Văn Chấn chăm sóc lúa xuân

Vụ xuân năm nay, chị Lò Thị Thắm ở thôn 1, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn cấy gần 6 sào bằng giống lúa Chiêm hương, ĐS 1, Séng cù. Sau khi cấy gặp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài kết hợp với sương muối nên lúa phát triển chậm; do vậy, gia đình phải tập trung chăm sóc nhiều hơn. Theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, chị Thắm phải đầu tư trên 1 triệu đồng để mua phân bón cho lúa, tăng gần 400.000 đồng so với vụ xuân năm ngoái. 

Chị Thắm chia sẻ: giá phân bón hiện quá cao và cứ thế này từ nay đến cuối vụ sẽ gây không ít khó khăn cho kinh tế gia đình. Chị đang tính toán giảm một phần phân bón, dù biết là ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất lúa. 

Anh Trần Văn Hùng ở thôn 4 cùng xã cũng cho hay: với 9 sào lúa, vụ xuân năm ngoái anh đầu tư khoảng gần 2 triệu đồng để mua phân đạm, lân, ka-li chăm bón cho lúa. Tuy nhiên, năm nay anh sẽ phải đầu tư gần 3 triệu đồng để mua phân bón, đó là chưa tính phần tăng các công đoạn khác như: làm đất, giống, công gieo cấy, thu hoạch… Như vậy, sẽ rất ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Việc giá bán các loại phân bón tăng cao trong vụ xuân năm nay, đang là bài toán khó đối với nông dân. 

Cùng thời điểm vụ xuân năm 2021, mỗi sào lúa người dân đầu tư khoảng 200.000 đồng, chiếm 25% tổng chi phí sản xuất. Còn vụ xuân năm nay, giá các loại phân bón đồng loạt tăng mạnh nên chi phí đội lên ít nhất 70.000 - 80.000 đồng/sào. 

Cụ thể, phân đạm đang dao động ở mức 14.000 - 15.000 đồng/kg, đỉnh điểm là 16.000 - 17.000 đồng/kg tùy từng loại phân; riêng phân NPK từ 4.400 đồng tăng lên 6.200 đồng/kg. Các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 50 - 70%, cao 1,5 lần so với vụ mùa năm 2021... 

Theo chị Thắm, anh Hùng, để đạt được năng suất, chất lượng gạo tốt thì phải đầu tư bón đủ lượng phân, bón đúng thời điểm cho lúa; trong khi đó, giá phân cao như hiện nay, nếu đầu tư đúng mức chắc chắn sẽ kéo giảm khá nhiều lợi nhuận từ sản xuất lúa. 

Anh Nguyễn Văn Bản - chủ đại lý cung ứng các loại vật tư nông nghiệp ở xã Đồng Khê cho biết: giá phân bón nhập về tăng rất cao, nhất là thời điểm tập trung cho sản xuất vụ xuân. Hiện, giá các loại phân vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao; trong khi đó, số lượng các loại phân đạm doanh nghiệp đang cung ứng chỉ bằng 70% so với cùng thời điểm vụ xuân năm ngoái.  

Trước tình hình giá vật tư, phân bón tăng cao, ngay từ khi triển khai kế hoạch sản xuất lúa xuân 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế, trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị, thành phố, các xã, thị trấn, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, nhất là các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giữ giá bán ổn định; khuyến cáo các đại lý, cửa hàng không kinh doanh hoặc "tiếp tay” tiêu thụ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, giá rẻ. 

Đồng thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng "găm hàng”, tự ý nâng giá bán, gây khó khăn cho sản xuất của nông dân. Quan tâm hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân tổng hợp: NPK, phân hữu cơ để bón lót, bón thúc, bón tăng cường bảo đảm phù hợp từng giống lúa, chân ruộng, loại đất, thực hiện bón cân đối, tránh lạm dụng, nhất là phân đạm, gây lãng phí, tăng chi phí đầu tư. 

Qua đó, bảo đảm đủ lượng dinh dưỡng theo yêu cầu của từng giống, từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Việc chăm sóc thực hiện theo phương châm "bón sớm, bón tập trung” để lúa sinh trưởng sớm, tạo giàn lúa khỏe, đồng đều, hạn chế sâu, bệnh phát sinh, lây lan. 

Về lâu dài, nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất như tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ thay thế phân hóa học để giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập và bảo đảm sản xuất phát triển bền vững. 

Quang Thiều

Tags Yên Bái phân hữu cơ năng suất lúa giá vật tư phân bón thu nhập

Các tin khác
Sản xuất tấm ốp trần tại Công ty cổ phần An Phú.

Những tháng đầu năm 2022, dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19, song với phương án thích ứng an toàn, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động tầm soát, không để dịch bệnh làm gián đoạn sản xuất và đóng góp tích cực vào sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh.

Huyện Trấn Yên tiếp tục phát triển mở rộng diện tích trồng tre măng Bát độ để tạo ra vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, trồng mới và trồng thay thế 500 ha. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích tre măng Bát độ đạt trên 4.000 ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt 40.000 tấn măng thương phẩm; liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Năm 2022, thành phố Yên Bái tiếp tục xác định tập trung giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng sạch, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm. Đây cũng là tiền đề quan trọng, tạo động lực để thành phố tiếp tục bứt phá, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Việc tăng thuế đối với thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục