Do đó, kịp thời cảnh báo nguy cơ, thực thi linh hoạt các giải pháp được coi là hai yếu tố cần và đủ nhằm kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Hệ lụy tăng giá hàng hóa vì xung đột Nga - Ukraine
Đánh giá về việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc việt là xung đột Nga - Ukraine tác động đến kinh tế Việt Nam, các chuyên gia nhận định, khi kinh tế thế giới suy giảm và lạm phát cao sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến đà phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Đáng nói, xung đột Nga - Ukraine là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng thêm giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Sản lượng sản xuất và thị phần xuất khẩu một số mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: Xăng dầu, khí đốt, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… của Nga và Ukraine rất lớn. Vì vậy, nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài có thể gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu này trong thời gian tới, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế nước ta.
Phân tích rõ về vấn đề này, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dẫn chứng, trong những năm gần đây, nước ta nhập siêu khoảng 6 tỷ USD đối với mặt hàng xăng dầu. Khi giá xăng dầu tăng cao, giá trị nhập siêu mặt hàng này cũng sẽ tăng.
Chỉ riêng mặt hàng xăng dầu trong nước bình quân 4 tháng năm 2022 tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tới 1,76 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân 2,1% của 4 tháng đầu năm nay. Cùng với đó, giá gas trong nước cũng biến động theo giá xăng dầu và giá gas thế giới, bình quân 4 tháng giá gas tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước, làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 0,36 điểm phần trăm.
Bên cạnh xăng dầu và gas, giá các nhóm mặt hàng lương thực, thức ăn chăn nuôi, phân bón, kim loại công nghiệp, sắt thép xây dựng tăng cao sẽ tạo áp lực rất lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 của Việt Nam.
Cũng theo TS Nguyễn Bích Lâm, áp lực lạm phát năm nay của nước ta chịu tác động khá lớn do nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài và lạm phát chi phí đẩy. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá nhập khẩu một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao như: Giá nhập khẩu sắt thép tăng 43,87%; giá xăng dầu tăng 40,44%; giá thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%.
Phát sinh nhiều yếu tố tạo áp lực lạm phát
Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng cùng các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế làm cho tổng cầu tăng đột biến cũng là áp lực rất lớn lên lạm phát trong năm 2022. Đặc biệt, trong gói chính sách tài khóa và tiền tệ 350.000 tỷ đồng có tới trên 32% dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn cung nguyên vật liệu xây lắp không dồi dào sẽ tạo thêm áp lực lạm phát.
Đề cập về áp lực lạm phát, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng: "Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 đã gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động, tạo áp lực rất lớn đối với khu vực DN và hộ kinh doanh trong nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Để có đủ lao động, DN và hộ kinh doanh phải trả lương cao hơn, tăng chi phí đào tạo và tuyển dụng, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm”.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Hiện nay, kinh tế thế giới đang khủng hoảng nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm giá xăng dầu thế giới liên tiếp tăng cao sẽ làm giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao. Đây cũng là yếu tố gây nên áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong năm 2022, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với các yếu tố trong nước gây nên áp lực lạm phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu; trong đó, yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô và lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng trong nước.
Kịp thời cảnh báo, linh hoạt giải pháp
Khuyến nghị về những giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các bộ ngành, địa phương cần tập trung thực thi các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho DN. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Cụ thể, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính tự chủ của nền kinh tế.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với cộng đồng DN phải chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất và các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân. Do đó, Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn. Đồng thời, sớm xem xét kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác động của giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng quan điểm, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các Bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý như: Điện, dịch vụ y tế, giáo dục...
(Theo kinhtedothi)