Chị Nguyễn Thị Phương ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái thường xuyên mua nông sản tại điểm bán hàng OCOP hay điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố.
Chị Phương chia sẻ: "Trong bữa ăn gia đình hàng ngày không thể thiếu các món ăn được chế biến từ thịt, cá, rau, củ, quả… Tuy nhiên, để mua được những sản phẩm an toàn mới là điều quan trọng vì hầu hết các chợ hay cửa hàng ở khu dân cư đều bán nhiều nông sản, nhưng đa phần không rõ nguồn gốc. Do đó, tôi thường vào các cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng OCOP để mua. So với ngoài chợ, nông sản ở đây bán đắt hơn khá nhiều nhưng tôi vẫn chấp nhận, bởi hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản, được cơ quan chức năng kiểm định, giám sát chất lượng…”.
Từ ngày con trai bước vào giai đoạn ăn dặm, chị Lê Thu Trang ở tổ 12, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ luôn mong muốn địa phương có điểm bán nông sản, thực phẩm sạch, an toàn để mua cho con và gia đình sử dụng.
Qua tìm hiểu chị Trang được biết, các sản phẩm OCOP có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Tháng 12/2021, Sở Công Thương cùng doanh nghiệp đã mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt Nam tại thị xã Nghĩa Lộ đã tạo điều kiện cho chị Trang cùng người tiêu dùng thị xã dễ dàng tiếp cận sử dụng sản phẩm. Không chỉ chị Phương, chị Trang mà đông đảo người nội trợ trên địa bàn tỉnh luôn mong muốn được mua những nông sản, thực phẩm sạch, an toàn.
Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân, gần 3 năm nay, Sở Công Thương đã mở 5 điểm bán hàng OCOP được hỗ trợ từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại tại các địa phương: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái và 2 điểm bán hàng Việt Nam tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ. Các điểm bán hàng này tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng, an toàn…
Chúng tôi đến thăm cửa hàng nông sản Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Minh Bảo Fresh Foods ở tổ 2, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, được ông Bùi Việt Tiến - Giám đốc HTX cho biết: "Nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng, nhất là khu vực thành phố, nhưng nhiều người chưa biết mua ở đâu. Vì vậy, HTX kết nối với các đơn vị khác bày bán các sản phẩm nông nghiệp sạch, được chứng nhận OCOP của tỉnh và đưa sản phẩm vào bán tại Cửa hàng. Tuy giá cao hơn giá ngoài thị trường tự do, nhưng khách đến với cửa hàng khá nhiều. Cửa hàng hiện bày bán trên 70 loại sản phẩm, mỗi ngày cửa hàng bán ra khoảng chục triệu tiền hàng”.
Không chỉ mua hàng qua các điểm bán hàng OCOP, người tiêu dùng có thể mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi, kinh doanh thực phẩm sạch.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 70 cửa hàng tiện lợi; trong đó, phần lớn có bán thực phẩm sạch. Lợi thế lớn nhất của hệ thống các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn (TPAT) là, luôn có được nguồn hàng chất lượng, phong phú phục vụ nhu cầu của khách.
Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia cung ứng tại các cửa hàng nông sản sạch đều được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh TPAT; được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn hàng chất lượng, phong phú phục vụ nhu cầu của khách.
Việc liên kết chặt chẽ giữa các cửa hàng nông sản an toàn với các HTX mô hình kể trên, vừa giúp ổn định nguồn hàng vừa tiết kiệm được chi phí, thời gian vận chuyển nên hàng hóa luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm đối với thói quen sử dụng TPAT, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bám sát công tác chỉ đạo, xây dựng các cửa hàng kinh doanh TPAT mẫu tại các huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPAT cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu bằng chất lượng. Trước khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng cần nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu thị trường, tâm lý khách hàng ở từng địa phương để có cách thức cung ứng phù hợp, tạo sự tin tưởng bền vững cho khách hàng.
Có thể thấy, hệ thống điểm bán hàng OCOP, cửa hàng kinh doanh TPAT đã và đang mang lại "lợi ích kép” cho cả khách hàng và người sản xuất khi đóng vai trò "cầu nối” đưa nông sản, thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, kênh phân phối này cũng góp phần thúc đẩy người sản xuất đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh và bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại. Từ đó, tạo chuyển biến quan trọng trong sản xuất, sử dụng thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thu Hiền