Chị Vũ Thị Thanh Tâm ở thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình rất phấn khởi khi được vay 20 triệu đồng theo Nghị quyết 11 (NQ 11), với lãi suất 1,2%/năm, thời hạn vay 36 tháng để mua 2 máy vi tính, thiết bị học trực tuyến cho các con.
Chị Tâm bày tỏ: "Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã nhanh chóng triển khai vốn chính sách đến những hộ nghèo như chúng tôi. Từ đó, các con tôi đã thuận tiện hơn trong học tập, nhất là học trực tuyến”.
Cũng như chị Tâm, anh Triệu Văn Xuân ở thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái được vay 10 triệu đồng để mua máy tính và thiết bị học tập. "Là hộ nghèo, gia đình tôi chưa mua được máy tính cho các con học tập, nên thời gian qua các cháu phải học trực tuyến bằng điện thoại di động vừa kém hiệu quả vừa ảnh hưởng đến mắt. Được Nhà nước cho vay ưu đãi, gia đình tôi vay 10 triệu đồng mua ngay máy tính giúp cháu học tập tốt hơn” - anh Xuân cho biết.
Còn bà Bàn Thị Đường ở thôn Làng Cạn, xã Mông Sơn được vay 100 triệu đồng để trồng và phát triển rừng, bà Đường cho hay: "Trước đây, do kinh phí ít nên tôi chỉ trồng cầm chừng. Hiện, được vay vốn từ Chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình tôi có điều kiện để đầu tư trồng thêm 4 ha rừng và hy vọng sẽ tăng thu nhập, làm giàu trong thời gian tới”.
Để thực hiện tốt NQ 11 Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình đã tham mưu với UBND huyện triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách (TDCS), đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế địa phương.
Ông Đinh Trọng Hoài - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình cho biết: theo NQ 11, huyện Yên Bình được giao 8 tỷ 830 triệu đồng; trong đó, cho vay giải quyết việc làm 4 tỷ đồng; chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập 3 tỷ 670 triệu đồng; cho vay nhà ở xã hội 1 tỷ đồng và chương trình cơ sở giáo dục mầm non tư thục ngoài công lập 160 triệu đồng. Đến nay, Phòng đã giải ngân cho vay được 7 tỷ 560 triệu đồng với 383 khách hàng.
UBND huyện chỉ đạo các thành viên ban đại diện là chủ tịch UBND các xã, thị trấn làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể nhân dân về TDCS đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của người lao động.
Trong đó, quan tâm đến đối tượng là người lao động từ các khu công nghiệp, các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở về quê có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, duy trì và ổn định cuộc sống; đặc biệt, rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng các chính sách thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...
Ông Đinh Trọng Hoài cho biết thêm: với các giải pháp cụ thể, đúng đối tượng, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân được trên 86% kế hoạch vốn giao với 4 chương trình theo NQ 11. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn, tổ chức hội nhận ủy thác giải ngân kịp thời nguồn vốn đã được phân bổ theo quy định, đảm bảo nhanh chóng, chính xác nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nguồn vốn phục hồi phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Văn Tuấn