Theo đó, phạm vi quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải gồm 1 thị trấn và 13 xã; quy mô đất đai có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 120.096 ha; dân số hiện trạng khu vực lập quy hoạch năm 2020 là 65.042 người, dự báo đến năm 2030 khoảng 90.000 - 92.000 người, đến năm 2050 khoảng 125.000 - 127.000 người.
Mục tiêu của Đồ án nhằm phát triển kinh tế địa phương một cách chuyên nghiệp, hiện đại gắn với du lịch "xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”, trọng tâm là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đặt phát triển du lịch nằm trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn, là giải pháp để thoát nghèo bền vững.
Phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa bền vững, khai thác sử dụng nguồn lực một cách hợp lý, giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên; duy trì sự bảo tồn đa dạng thiên nhiên, xã hội và nhân văn. Phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng theo hướng tăng trưởng xanh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hiện đại, sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo cơ hội thu hút đầu tư, khai thác tối đa lợi thế, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, lập kế hoạch, quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng và phát triển trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.
Đố án định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải chia thành 5 tiểu vùng chính, gồm:
Tiểu vùng trung tâm dịch vụ đô thị- vùng động lực chính của huyện là khu vực thị trấn Mù Cang Chải và xã Kim Nọi với tổng diện tích tự nhiên: 39,24 km2.
Tiểu vùng kinh tế năng lượng phía Tây Bắc của huyện là các xã Hồ Bốn, Lao Chải, Khao Mang với tổng diện tích tự nhiên 278,05 km2.
Tiểu vùng bảo tồn đa dạng sinh học và dự trữ sinh quyển ở phía Tây Nam của huyện là xã Chế Tạo với tổng diện tích tự nhiên 235,38 km2.
Tiểu vùng trọng điểm phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tự nhiên phía Đông Nam của huyện là các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt, Cao Phạ với tổng diện tích tự nhiên 309,32 km2.
Tiểu vùng kinh tế nông, lâm nghiệp đặc sản phía Đông Bắc huyện là các xã Mồ Dề, Chế Cu Nha, Nậm Có với tổng diện tích tự nhiên 335,90 km2.
Phát huy lợi thế về cảnh quan tự nhiên, khí hậu, hệ thống giao thông như: quốc lộ 32, đường nối huyện Mù Cang Chải với nút giao IC15, cao tốc Nội Bài - Lào Cai và dưới sự tham vấn của các chuyên gia, đơn vị tư vấn địa phương, Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải sẽ góp phần hướng tới mục tiêu phát triển cân bằng, bền vững, phù hợp và kế thừa các quy hoạch trước đây.
Trong đó, Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải được phê duyệt còn là định hướng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chiến lược phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu Mù Cang Chải để tạo đà cho thu hút đầu tư phát triển Mù Cang Chải trở thành địa phương tiêu biểu về phát triển du lịch bền vững.
Tại Hội nghị, lãnh đạo huyện Mù Cang Chải yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo, phổ biến quy hoạch đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong quản lý quy hoạch và giám sát thực hiện điều chỉnh các quy hoạch có liên quan để xây dựng huyện Mù Cang Chải bám sát theo quy hoạch và sớm thoát khỏi diện huyện nghèo trong tương lai.
A Mua