25 nhà máy thủy điện đã hoàn thành phát điện, cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 1,8 tỷ kWh/năm
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 105 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ, với tổng công suất lắp máy hơn 900 MW. Sau khi rà soát, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ tỉnh Yên Bái 41 dự án, nguyên nhân do các dự án này có quy mô nhỏ, ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên và chưa có nhà đầu tư đăng ký.
Như vậy, ngoài nhà máy thủy điện Thác Bà có công suất lắp máy 120MW, tỉnh Yên Bái đã cấp 49 chứng nhận đầu tư và thỏa thuận khảo sát cho 15 dự án thủy điện. Đến nay, có 25 dự án đã hoàn thành phát điện với tổng công suất phát 519,6 MW; 11 dự án đang triển khai thi công với tổng công suất lắp máy 110,1 MW; 13 dự án đang làm các thủ tục chuẩn bị khởi công xây dựng với tổng công suất 174,7 MW; 15 dự án đã được chấp thuận khảo sát với tổng công suất 119,9 MW.
25 nhà máy thủy điện đã hoàn thành phát điện hàng năm cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 1,8 tỷ kWh/năm, đóng góp cho giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh hàng năm hơn 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước cho tỉnh hơn 350 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho hơn 600 lao động với mức lương trung bình 9 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số dự án không triển khai được hoặc triển khai dở do khó khăn về vốn đầu tư; một số dự án chưa hoàn thiện các thủ tục về đất, công tác đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Công tác xây dựng quy hoạch thủy điện còn nhiều bắt cập, không chính xác về công suất, sau khi khảo sát đánh giá hầu hết chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh lại công suất, gây mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện. Một số dự án điều chỉnh thiết kế và phương án khai thác để không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên theo Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư gây kéo dài thời gian thực hiện dự án; tiến độ đầu tư xây dựng đường dây và các trạm biến áp chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn.
Các dự án thủy điện phải có đánh giá tác động xã hội
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc đã thống nhất một số nội dung, giải pháp cũng như yêu cầu các bên cần phải phối hợp, chủ động tháo gỡ cho doanh nghiệp thủy điện, đồng thời đề nghị đánh giá đúng thực chất nguyên nhân một cách rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất điện. Các dự án thủ y điện muốn triển khai ngoài đánh giá tác động môi trường, cũng cần phải có đánh giá tác động xã hội nơi đầu tư dự án; cần kiểm điểm lại việc chậm tiến độ, chậm triển khai của một số dự án thủy điện, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ.
Đối với những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương, trong đó có vai trò chính của Sở Công thương, rà soát lại các dự án thủy điện đang triển khai trên địa bàn tỉnh về tiến độ đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện tốt vai trò chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này nhanh, hiệu quả, có sự tiếp nhận thông tin, nắm chắc tình hình tham mưu cho UBND tỉnh chủ động tháo gỡ cho doanh nghiệp, đồng thời công khai trả lời, giải quyết dứt điểm.
Yêu cầu các doanh nghiệp, chủ động tiếp cận thông tin, các thay đổi về cơ chế chính để kịp thời vận dụng cho phù hợp và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, chuyển đổi đất rừng tự nhiên, rừng tự nhiên, kế hoạch sử dụng đất và vận hành các dự án thủy điện.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ, rút ngắn thời gian hỗ trợ một cách tốt hơn cho doanh nghiệp...
Thu Hiền