Thời gian qua, cùng với những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị trên địa bàn huyện Văn Chấn cũng được đầu tư, xây dựng. Đến nay, toàn huyện có 3 đô thị loại V với tổng số dân trên 16.100 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 13,61%.
Công tác quản lý nhà nước về đô thị, nhất là công tác quy hoạch, quản lý xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực; quy mô, chất lượng các đô thị đã trở thành hạt nhân, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, huyện; chất lượng đời sống của người dân khu vực đô thị từng bước cải thiện...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển đô thị trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do hầu hết các đô thị chủ yếu phát triển trên nền hệ thống cũ, hạn chế về không gian phát triển; nguồn lực đầu tư phát triển đô thị còn hạn chế; thương mại, dịch vụ chậm phát triển; nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển, quản lý đô thị chưa đầy đủ; hiệu lực, hiệu quả quản lý còn thấp; đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý đô thị còn thiếu và yếu; ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong một bộ phận nhân dân còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hiện nay, các chương trình phát triển đô thị của huyện chưa được bố trí vốn (ngân sách tỉnh 50% là 1,312 tỷ đồng; ngân sách huyện 50% là 1,312 tỷ đồng) nên Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa có đủ cơ sở để thẩm định trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài ra, các xã, thị trấn nằm trong lộ trình đô thị hóa giai đoạn 2021-2025, nhất là 3 đô thị phát triển mới (Tú Lệ, Cát Thịnh, Tân Thịnh) đều đạt điểm rất thấp từ 28-52 điểm (dưới 75 điểm theo các tiêu chí của Nghị quyết số 1210/2018/UBTVQH); đặc biệt, là nhóm tiêu chí về mật độ dân số; nhóm tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: "Cát Thịnh có diện tích rộng nhất huyện với 168,9 ha và gần 11.000 dân; trong đó, có 6/17 thôn người Mông, chiếm 29%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 25,2%. Diện tích rộng, dân cư thưa thớt, hộ nghèo cao, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vì vậy, để đạt các tiêu chí của đô thị loại V vào năm 2025, chỉ có các thôn gần đường quốc lộ là khả thi, còn các thôn vùng cao gần như không thể thực hiện”.
Trước những khó khăn trên, thời gian tới, huyện đang tiếp tục tranh thủ khai thác tối đa các nguồn vốn của ngân sách cấp trên theo các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển đô thị và các chương trình về văn hóa, xã hội khác.
Bà Hoàng Thị Lý - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: "Huyện tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; trong đó, vốn ngân sách nhà nước tập trung cho công tác lập quy hoạch và thiết kế đô thị, đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược và các dịch vụ thiết yếu; tích cực vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển, nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn vốn trong các doanh nghiệp và trong nhân dân; đồng thời, khuyến khích động viên và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển đô thị. Bên cạnh đó, huyện tăng cường thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ du lịch, tập trung một số khu vực như: xã Tú Lệ, xã Suối Giàng, thị trấn Sơn Thịnh”.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò chủ thể của cư dân đô thị trong phát triển hạ tầng đô thị, tham gia quản lý, giám sát hoạt động quản lý đô thị của chính quyền; nhân rộng các mô hình tự quản; tổ chức thực hiện tốt Phong trào "Xây dựng nếp sống văn minh đô thị” sâu rộng và hiệu quả.
Hùng Cường