Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái, dự ước đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 12,02% so với 31/12/2021 và tăng 20,94% so với cùng kỳ năm 2021. TTTD cao hơn cùng kỳ năm trước đã kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Cơ cấu tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế như cho vay SXKD, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội (ĐTCSXH).
Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ ước đến 31/8/2022 đạt 18.500 tỷ đồng, chiếm 54,41% tổng dư nợ; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu ước đạt 1.120 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ, tăng 2,94% so với cuối năm 2021; dư nợ cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 6,42% so cuối năm 2021; dư nợ cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới duy trì và tăng trưởng từ 30/6/2022 là 10.487 tỷ đồng, tăng 14,91% so với cuối năm 2021, chiếm 31,19% tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tập trung giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các ĐTCSXH với dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách ước đạt trên 4.017 tỷ đồng, tăng 423.135 triệu đồng so với đầu năm; trong đó, chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã giải ngân 133,652 tỷ đồng. Bên cạnh "bơm vốn” phục hồi và tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN.
Theo số liệu của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, tính đến 31/7/2022, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 8.004 tỷ đồng chiếm 23,70% tổng dư nợ trên toàn tỉnh. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tháo gỡ khó khăn cho 72.937 khách hàng; trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 540 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 1.116 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 216 khách hàng với dư nợ đã được miễn, giảm lãi là 325 tỷ đồng.
Doanh số cho vay mới đến nay là 18.792 tỷ đồng đối với 17.778 khách hàng. Cùng đó, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu cho 54.403 lượt khách hàng, dư nợ được giảm lãi suất là 24.455 tỷ đồng. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho SXKD, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Từ nay đến cuối năm, bám sát định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN Việt Nam và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân thực hiện các giải pháp, hình thức huy động nguồn vốn, đảm bảo ổn định và TTTD; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hộ SXKD và các ĐTCSXH tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển SXKD, sản xuất hàng xuất khẩu, lưu thông hàng hóa; thực hiện tốt việc đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.
Duy trì thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020; Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 của NHNN Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Đồng thời, đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - DN; tập trung vốn tín dụng đầu tư cho vay lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng xuất khẩu, các DN nhỏ và vừa, các dự án, phương án SXKD có hiệu quả; đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, cận nghèo và các ĐTCSXH.
Bên cạnh đó, triển khai các loại hình dịch vụ ngân hàng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Tuy nhiên, điều mà các DN quan tâm là từ nay đến cuối năm liệu có dễ dàng vay vốn hay không khi mà năm 2022 mục tiêu ngành ngân hàng tỉnh đặt ra là tăng trưởng từ 12 - 14%? Trong khi đó, đến hết tháng 8/2022 TTTD đã tăng 12,02% và dần tiệm cận chỉ tiêu định hướng của NHNN. Như vậy, trong những tháng còn lại, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm chưa đầy 2%.
Thông Nguyễn