Có lợi thế về địa hình với nhiều suối lớn như Nậm Kim, Nang Khủ..., Mù Cang Chải đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng nhà máy thủy điện. Khai thác lợi thế này thu hút đầu tư, thời gian qua, huyện đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư…
Ông Ngô Văn Thành - Phó Giám đốc cụm Thủy điện Xuân Thiện Khao Mang cho biết: "Quá trình triển khai xây dựng, Nhà máy nhận được nhiều sự hỗ trợ của địa phương trong thủ tục hành chính cũng như đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện để tiêm phòng cho cán bộ, lao động của nhà máy cũng như triển khai các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm. Hiện nay, công suất của 2 nhà máy thủy điện Khao Mang và Khao Mang Thượng đạt 54,5 MW với sản lượng điện bình quân hàng năm là 165,9 triệu kWh, doanh thu gần 200 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước trên 19 tỷ đồng/năm”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có 5 nhà máy thủy điện đang hoạt động và 2 nhà máy đang trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm. Bình quân mỗi năm, các nhà máy thủy điện đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách của toàn huyện và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Cùng với thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, huyện đặc biệt quan tâm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, chế biến nông, lâm sản.
Theo ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mù Cang Chải, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã tiến hành lập danh mục các dự án trọng điểm đề nghị đưa vào danh mục trọng điểm của tỉnh, của huyện giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung kiên cố hóa các tuyến đường giao thông từ xã đến các thôn, bản và kiên cố hóa các tuyến đường kết nối chính giữa các vùng trên địa bàn huyện; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và phát triển du lịch sinh thái; tận dụng tốt các nguồn lực, tích cực mời gọi, thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng đô thị, du lịch huyện phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan lập các quy hoạch theo hướng phát triển thành huyện du lịch.
Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông, lâm nghiệp hàng hóa chủ lực và sản phẩm đặc sản theo chuỗi giá trị, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phục vụ khách du lịch. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có 59 doanh nghiệp, 38 hợp tác xã, 621 tổ hợp tác tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đóng góp trên 80% tổng thu ngân sách của huyện.
Bên cạnh đó, huyện có 105 nhà nghỉ, homestay và 75 nhà hàng, quán ăn đáp ứng nhu cầu phục vụ trên 3.000 lượt khách/ngày; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 406 tỷ đồng.
Từ chính sách ưu đãi, mời gọi đầu tư, huyện Mù Cang Chải đã và đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là tiền đề để Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Hùng Cường