Tín dụng chính sách xã hội - 20 năm đồng hành cùng người dân Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/9/2022 | 7:41:36 AM

YênBái - Để tạo nguồn lực, bệ đỡ cho các hộ gia đình chính sách có điều kiện vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, trong những năm qua, Yên Bái luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, có thể khẳng định, Yên Bái đã đưa các nguồn vốn ưu đãi đến với người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, tạo động lực, đòn bẩy vươn lên trong cuộc sống, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên kiểm tra mô hình vay vốn sản xuất kinh doanh sản phẩm quế tại xã Yên Hợp.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên kiểm tra mô hình vay vốn sản xuất kinh doanh sản phẩm quế tại xã Yên Hợp.

VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH - NÂNG GIÁ TRỊ CÂY QUẾ Ở VĂN YÊN


Những năm qua, nhờ đồng vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân các xã trọng điểm vùng quế huyện Văn Yên đã đầu tư trồng, chăm sóc, phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ quế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn vốn tín dụng chính sách ngoài mục tiêu góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững còn giúp Văn Yên xây dựng và khẳng dịnh thương hiệu quế. 

Trước đây, gia đình anh Đặng Văn Cường, dân tộc Tày, thôn Phúc Thành, xã Đại Phác thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn. Có đất canh tác nhưng thiếu vốn để phát triển kinh tế. Năm 2019, anh được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Văn Yên, thời hạn vay 5 năm. 

Với số tiền được vay, anh Cường đầu tư trồng quế và thu mua chế biến vỏ quế. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết cách tính toán, sau nhiều năm nỗ lực phát triển và mở rộng mô hình, đến nay, gia đình anh đã có 3 ha quế 5 năm tuổi, mỗi năm thu mua, chế biến hàng chục tấn quế vỏ, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, gia đình anh Cường hiện đã trở thành hộ khá trong thôn. 

Anh Cường cho biết: "Từ đồng vốn được vay, lúc đầu tôi làm vườn ươm quế giống, khi có thêm đồng vốn tôi chuyển sang trồng quế. Trong thời gian quế chưa đến kỳ thu hoạch, tôi đi thu mua quế vỏ của các hộ dân trong và ngoài xã về chế biến bán lại. Có thêm đồng vốn, tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm chăn nuôi, sửa nhà và mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình. Đến nay, gia đình tôi đã trả hết số tiền đã vay, tôi đang làm thủ tục vay thêm để mở rộng quy mô phát triển kinh tế của gia đình”. 

Phong Dụ Thượng là xã trọng điểm vùng quế của huyện. Xác định quế là cây trồng chủ lực để xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, nhiều năm qua, xã đã tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng, phát triển, sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ quế. 

Đến nay, tổng dư nợ tín dụng của xã trên 49 tỷ đồng với 864 lượt hộ được vay vốn. Với số tiền này, mỗi năm xã trồng mới trên 140 ha quế, đến nay tổng diện tích quế toàn xã có gần 26.660 ha, trong đó trên 50% diện tích đến kỳ khai thác, mỗi năm xuất bán từ 500 - 700 tấn vỏ quế các loại, thu về hàng chục tỷ đồng. 

Ông Lương Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: "Nguồn vốn tín dụng chính sách những năm qua đã góp phần quan trọng để xã phát triển, mở rộng và nâng cao giá trị kinh tế từ cây quế. Nhờ đó, cây quế ở Phong Dụ Thượng đã khẳng định được vị thế, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, là cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện nay, xã có hơn chục hộ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế. Nhờ cây quế mà nhiều người dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Giá trị kinh tế từ cây quế mang lại đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn dưới 40% năm 2021”.

Tính đến ngày 31/8/2022, thông qua các chương trình tín dụng chính sách, huyện Văn Yên đã có trên 53 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ chính sách khác được vay vốn với số tiền trên 1.539 tỷ đồng. Tính riêng 8 tháng năm 2022, đã có 3.029 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 156 tỷ đồng. 

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần trồng mới được trên 2.900 ha quế, bồ đề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.013 lao động địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng để người dân mở rộng và nâng cao giá trị kinh tế từ cây quế. 

Hiện tại, diện tích quế toàn huyện có trên 52.000 ha, trong đó có 25.357 ha quế được xác lập Chỉ dẫn địa lý; trên 4.000 ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ. Năm 2021, thu nhập từ quế đạt 943,2 tỷ đồng. Toàn huyện có trên 80% số hộ trồng và có nguồn thu nhập từ quế. Trên địa bàn huyện hiện có trên 200 cơ sở, hộ gia đình và 3 hợp tác xã chế biến, sản xuất, kinh doanh quế và quế giống. 

Mỗi năm huyện gieo ươm trên 150 triệu cây quế giống cung ứng cho người trồng quế trong và ngoài tỉnh; chế biến 5.000 tấn vỏ quế thành nhiều sản phẩm khác nhau; có 8 sản phẩm từ quế được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đang tiếp tục xây dựng sản phẩm quế hữu cơ đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Thực tế, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng để huyện Văn Yên tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế từ cây quế, đồng hành cùng địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.      

PHỐI HỢP TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi đến gia đình chị Tăng Thị Thành ở thôn Trại Phung, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình - một trong những hộ tiêu biểu thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình ít ai nghĩ rằng mới 4 năm về trước, chị vẫn thuộc diện hộ cận nghèo của xã. 

Chia sẻ về quá trình thoát nghèo của gia đình, chị Thành bộc bạch: "Trước đây, gia đình có nhiều đất đồi rừng nhưng không có vốn đầu tư trồng cây kinh tế nên để hoang hóa. Thuộc diện hộ nghèo của xã nên năm 2017, gia đình được Ngân hàng CSXH huyện Yên Bình cho vay 50 triệu đồng cùng với chút vốn dành dụm, gia đình quyết định đầu tư cải tạo 2 ha đồi rừng hoang hóa trồng keo và trồng cây ăn quả”. 

Nhờ chăm chỉ làm ăn "lấy ngắn nuôi dài”, năm 2021, gia đình khai thác 2 ha keo bán được trên 120 triệu đồng, có tiền trả hết gốc và lãi cho Ngân hàng CSXH. Năm 2022, gia đình chị tiếp tục được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. 


Cán bộ Hội Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi với chị Tăng Thị Thành (áo kẻ) về sử dụng nguồn vốn vay. 

Có được vốn, gia đình tiếp tục mua phân bón, cây giống trồng trên 3 ha quế và trồng thêm cây ăn quả và chăn nuôi lợn, gà. Nhìn nét mặt rạng rỡ của chị Thành, chúng tôi hình dung được hình ảnh và niềm phấn khởi của hàng nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trong huyện Yên Bình đã thoát nghèo, vượt khó nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. 

Ông Sạch Văn Mùi - Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho biết: "Là xã vùng ba của huyện Yên Bình, Tân Nguyên có 9 thôn thì có 4 thôn là đặc biệt khó khăn, tổng số hộ theo rà soát đến cuối năm 2021 trên địa bàn xã có 1.527 hộ, trong đó hộ nghèo là 297 hộ, chiếm 19,4%; hộ cận nghèo là 212 hộ chiếm 13,8%. Thời gian qua, được sự quan tâm của Ngân hàng CSXH huyện, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn xã luôn đạt được kết quả tốt, tỷ lệ thu lãi đạt 100%, không có nợ quá hạn phát sinh, chất lượng giao dịch xã ngày được nâng lên, qua đó đã góp phần vào hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

20 năm qua, UBND xã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ cho hơn 5.200 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 3.000 lượt hộ dân; xây dựng hơn 1.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; trồng được hơn 3.000 ha rừng; giúp 47 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng nhà ở… Tính đến ngày 31/7/2022, tổng dư nợ toàn xã đạt trên 51,6 tỷ đồng, với 949 hộ vay vốn tại 20 tổ tiết kiệm ở 9 thôn. 100% hộ vay vốn tham gia gửi tiết kiệm qua tổ với số tiền đạt trên 1,8 tỷ đồng, mức gửi bình quân đạt 100 nghìn đồng/hộ/tháng”.

Trao đổi với lãnh đạo xã Tân Nguyên được biết, có được kết quả trên là sự phối hợp đồng bộ của các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên để thực hiện ủy thác, hỗ trợ vốn vay đến với người dân. Hoạt động ủy thác nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Hàng tháng, xã Tân Nguyên đều niêm yết công khai các chính sách liên quan, hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn, danh sách các hộ vay vốn còn dư nợ…

Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên Sạch Văn Mùi khẳng định: Để đồng vốn phát huy hiệu quả, chúng tôi làm tốt ngay từ khâu kết nạp và bình xét cho vay, chỉ đạo các thành phần có liên quan như tổ trưởng, trưởng thôn, các hội đoàn thể phải kiểm tra thật kỹ đối tượng vay vốn trước khi trình UBND xã phê duyệt; việc giới thiệu, bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng từng chương trình tín dụng, tổ chức họp bình xét vay vốn để đảm bảo việc thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước một cách công khai, minh bạch, hiệu quả và dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của các hội đoàn thể nhận ủy thác, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả.

"ĐÒN BẨY" ĐỂ XÓA NGHÈO

Là tỉnh miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, các hộ gia đình chính sách… Để tạo nguồn lực, bệ đỡ cho các hộ gia đình chính sách có điều kiện vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, trong những năm qua, Yên Bái luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, có thể khẳng định, Yên Bái đã đưa các nguồn vốn ưu đãi đến với người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, tạo động lực, đòn bẩy vươn lên trong cuộc sống, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.


Cán bộ Điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội xã Pá Hu (Trạm Tấu) giải ngân vốn cho người dân phát triển kinh tế. 

Xuất phát điểm thấp, kinh tế - xã hội khó khăn, do vậy tỉnh luôn xác định xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng mà cấp ủy, chính quyền đặt ra trong suốt quá trình xây dựng và phát triển địa phương. 

Đặc biệt quan tâm chỉ đạo, có các chính sách ưu đãi đối với người nghèo, hộ gia đình chính sách, những vùng kinh tế khó khăn là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả. Nhất là sau 20 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP thông qua hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã mang lại hiệu quả thiết thực. 

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đều vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả đưa vốn đến đúng các đối tượng và sử dụng vốn hiệu quả, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. UBND tỉnh ban hành chỉ thị, văn bản về triển khai các chương trình tín dụng chính sách, các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 60-KL/TW ngày 10/6/2021của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn luôn được nâng cao và mang lại hiệu quả rõ nét.


Khi mới thành lập Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác 1 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo với Hội Phụ nữ và Hội Nông dân thì đến nay đã ủy thác 17 chương trình tín dụng qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. 619 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã ký hợp đồng ủy thác, quản lý 2.309 tổ tiết kiệm và vay vốn. Mạng lưới ủy thác đã phủ rộng khắp 100% các thôn bản trong tỉnh, góp phần chuyển tải vốn chính sách đến đúng đối tượng sử dụng, đồng thời quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn.

Đến 31/8/2022, dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể là trên 4.000 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ. Trong đó, Hội Phụ nữ 745 tổ cho 26.431 hộ vay, dư nợ 1.301 tỷ đồng; Hội Nông dân 613 tổ cho 21.414 hộ vay, dư nợ 1.058 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 530 tổ cho 18.178 hộ vay, dư nợ 898 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên 421 tổ cho 14.801 hộ vay, dư nợ 742 tỷ đồng. Cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ chuyển tải vốn nhanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ chính sách mà còn góp phần quản lý vốn tín dụng chính sách được công khai, dân chủ, góp phần chung tay thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo. 

Qua đánh giá chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn, có 97,5% tổ đạt loại tốt, 2,1% tổ đạt khá, 0,4% tổ loại trung bình, không có tổ yếu kém, tổ không có nợ xấu duy trì trên 95%. Chỉ tính riêng chương trình cho vay hộ nghèo từ năm 2003 đến nay, đã giải ngân cho vay 173.741 lượt hộ nghèo với tổng số vốn 3.625 tỷ đồng.

Dư nợ đến hết tháng 8/2022 đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 946 tỷ đồng so với năm 2003, chiếm tỷ trọng 27,3% tổng dư nợ các chương trình, với 21.917 hộ còn dư nợ. Dư nợ bình quân hộ nghèo đạt 50 triệu đồng/hộ, tăng 47,8 triệu đồng/hộ so với năm 2003. Tỷ lệ hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đã được đáp ứng trên 95%, vốn vay được đầu tư đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích đã giúp trên 124.899 lượt hộ nghèo thoát nghèo trong 20 năm qua. 

Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, cách thức làm ăn, ý thức trong sử dụng vốn, ý thức về vay - trả. Tỷ lệ hộ nghèo vay vốn trả đúng hạn đạt trên 99.9%, nợ quá hạn chỉ còn 0,06% so với dư nợ. 

Từ những con số nêu trên có thể khẳng định, vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3 - 4%, giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 32,2% xuống còn 7,04%. 

Từ một địa phương hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực, nay Yên Bái đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, xây dựng vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn gắn với hình thành thị trường tiêu thụ ổn định cho 10 sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực như quế, măng tre Bát độ, sơn tra, lúa đặc sản chất lượng cao, cây ăn quả, dâu tằm gần 1.000 ha...; xây dựng, phát triển được 138 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có trên 20 sản phẩm đặc sản, hữu cơ đạt tiêu chuẩn 4 sao. 

Trong xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ... 

Hết năm 2021, có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 58,7%; 106 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới... Rõ ràng, hiệu quả của chương trình giảm nghèo không chỉ thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo giảm mà mức sống của hộ nghèo cũng đã được nâng lên, đó là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới.



Thanh Tân - Quang Thiều - Thanh Phúc

Tags Yên Bái tín dụng Nghị định 78 vốn ưu đãi hộ nghèo hộ cận nghèo

Các tin khác
Người dân được vay vốn thử nghiệm trồng cam trên đất trồng bưởi ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã cho kết quả khả quan.

Đảng và Nhà nước luôn coi mục tiêu giảm nghèo bền vững - an sinh xã hội là một trong những mục tiêu lớn trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Để thực hiện các mục tiêu đó, có rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Một mô hình nuôi trâu, bò ở thôn Sông Hồng, xã Xuân Ái phát triển tốt.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 69 ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025, huyện Văn Yên đã có hàng trăm hộ đăng ký hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 để phát triển chăn nuôi và triển khai thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn và người dân tuần tra bảo vệ rừng.

Với 29 cán bộ, nhân viên, trực tiếp tham gia quản lý 65.900 ha rừng, trải dài trên địa bàn 24 xã, thị trấn, lực lượng kiểm lâm huyện Văn Chấn luôn nỗ lực bảo tồn và phát triển vốn rừng, tô thắm thêm màu xanh no ấm cho núi đồi Văn Chấn.

Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái hướng dẫn hộ kinh doanh nộp thuế và xuất hóa đơn qua điện thoại.

Có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước không lớn nhưng khu vực hộ kinh doanh lại có số đối tượng nộp thuế lớn, điều đó đòi hỏi ngành thuế có sự quản lý sâu sát. Vì vậy, ngành thuế đang đẩy mạnh hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận dịch vụ thuế điện tử để gia tăng tiện ích cho người nộp thuế và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục