Sau khi xuất bán 7.000 con gà giống Minh Dư với giá từ 70 nghìn đến 90 nghìn đồng/kg, anh Khánh tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, chuẩn bị sẵn chế phẩm sinh học để úm thêm 8.000 gà giống.
Anh Khánh chia sẻ: "Cùng với chuẩn bị chuồng trại, gia đình tôi ưu tiên lựa chọn giống gà từ nhà cung cấp có uy tín, chất lượng. Mỗi một con gà chăn nuôi tại trang trại đều được tiêm 14 loại vắc-xin, được bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng”.
Năm 2022, việc chăn nuôi gia cầm ở xã Quy Mông đã có nhiều khởi sắc nhờ tìm được đầu ra với giá cả ổn định, chất lượng sản phẩm được nâng lên nhờ người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Tiến Chiển - Bí thư Đảng ủy xã Quy Mông cho biết: "Chăn nuôi gia cầm đã trở thành sản phẩm chủ lực tại địa phương. Hiện toàn xã hiện có 70 cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 2 nghìn con trở lên, trong đó có những cơ sở chăn nuôi từ 10 nghìn đến 15 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 21 nghìn tấn/năm. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn phòng dịch trên đàn vật nuôi, chính quyền địa phương thường xuyên cử cán bộ trực tiếp xuống các hộ chăn nuôi để thống kê, lập danh sách, báo cáo tình hình sản xuất, đồng thời khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Cùng với đó, xã cũng tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho người dân”.
6 tháng đầu năm 2022, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Trấn Yên tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, đàn gia súc tăng 68 nghìn con, đàn gia cầm tăng trên 1,7 triệu con. Toàn huyện đã đảm bảo tiêm vắc-xin các loại như: phòng bệnh lở mồm long móng, phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả lợn...
Các ngành chức năng đã tích cực hướng dẫn hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc khử trùng, tiêu độc; khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho cán bộ thú y các xã, thị trấn để có những biện pháp xử lý kịp thời. Cùng đó, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cũng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm…
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, 8 tháng đầu năm 2022, tổng đàn gia súc chính và đàn gia cầm đều đạt vượt kế hoạch đề ra. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tháng đạt 5.210 tấn, riêng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính ước đạt 4.691 tấn. Tình hình phòng, chống dịch bệnh lũy kế 8 tháng đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi được trên 345 nghìn liều.
Diễn biến bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ không có dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, quy mô lớn, các điểm dịch bệnh đã được chính quyền địa phương kịp thời xử lý, tiêu hủy theo quy định không gây hậu quả nghiêm trọng.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đảm bảo kịp thời kiểm tra, xác minh, khoanh vùng khống chế dịch nếu có, mục tiêu không để dịch bệnh xảy ra diện rộng, gây thiệt hại lớn; chủ động triển khai vắc-xin đợt 2 với phương châm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định, đảm bảo hoàn thành trên 640 nghìn liều vắc-xin (kế hoạch năm 2022).
Tiếp tục tổ chức các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, tổng số thuốc sát trùng dự kiến phun là gần 14.000 lít. Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương, xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản; tiêm phòng các loại vắc-xin bắt buộc cho gia súc, gia cầm, khử trùng tiêu độc định kỳ chuồng trại…
Hoài Văn