Công ty TNHH Sản xuất y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, huyện Văn Chấn chọn sàn TMĐT để quảng bá các sản phẩm OCOP như: trà táo mèo Shan Thịnh, dầu massage Quốc Kỳ, xịt massage Quốc Kỳ.
Ông Bùi Thế Dũng - Giám đốc Nhà máy của Công ty Đông dược Thế Gia cho biết: "Nếu bán hàng theo kiểu truyền thống thì thị trường hẹp, sản phẩm sẽ không được nhiều người biết đến. Vì vậy, Công ty tích cực đưa các sản phẩm lên các sàn TMĐT: Yên Bái, Shopee, Postmart.vn, Voso... Thông qua sàn TMĐT, Công ty có được một số thị trường mới, khách hàng mới”.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái có 3 sản phẩm chủ lực gồm: chè Minh Bảo, mộc nhĩ và mật ong đa hoa tự nhiên; trong đó, có 2 sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc bán hàng gặp nhiều khó khăn.
Ông Bùi Việt Tiến - Giám đốc HTX cho biết: "Thời gian trước việc bán hàng theo phương thức truyền thống gần như bị đóng băng. Để duy trì hoạt động sản xuất HTX phải đẩy mạnh bán hàng online thông qua các kênh Zalo, Facebook, các Fanpage. HTX cũng đã đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT)
Voso.com, sàn TMĐT Yên Bái và các sàn TMĐT khác. Nhờ đó, doanh thu ổn định, HTX duy trì hoạt động tốt”.
Ông Đoàn Lê Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết: "Trung tâm đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin để đưa các sản phẩm lên các sàn TMĐT. Cụ thể, hướng dẫn các chủ thể cập nhật thông tin sản phẩm theo các yêu cầu; trong đó, tập trung chủ yếu vào thông tin doanh nghiệp, thông tin sản phẩm, các tiêu chuẩn của mặt hàng, cách quản trị và bán hàng”.
Cùng với việc hỗ trợ các đơn vị đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong nước, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT quốc tế như: Alibaba, Amazon…
Ông Đào Đức Hiếu - Giám đốc HTX Hệ sinh thái Du lịch Suối Giàng, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Những sản phẩm của HTX như: Bạch Trà, Diệp Trà, Hoàng Trà và Hồng Trà của HTX đã hội đủ các yếu tố về một sản phẩm thương hiệu quốc gia. Việc đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT là cơ hội để tìm kiếm các thị trường mới, góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp này phải hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài thì việc giao dịch trên các sàn TMĐT chính là kênh chiến lược phát triển thị trường hàng hóa. Với quyết tâm hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các sản phẩm nông, lâm, sản của tỉnh lên các sàn TMĐT.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Sở đã phối hợp với Sở Công Thương, Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái, Bưu điện tỉnh đưa gần 4.700 sản phẩm đặc trưng, trong đó có 155 sản phẩm OCOP và trên 4.500 sản phẩm khác lên sàn thương mại Voso.vn và Postmart.vn. Tổng số đơn hàng giao dịch trên 2 sàn
Voso.com và
Postmart.vn là 7.113 đơn hàng, với doanh thu trên 1,1 tỷ đồng”.
Được biết, số sản phẩm lên sàn thương mại
Voso.com trên 1.200 sản phẩm đặc trưng, với trên 1.950 đơn hàng, tổng doanh thu trên 210 triệu đồng. Số lên sàn thương mại
Postmart.vn trên 3.480 sản phẩm đặc trưng với trên 5.160 đơn hàng, tổng thanh toán trên 1 tỷ đồng. Thông qua các sàn TMĐT, ngày càng có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn.
Điển hình như các sản phẩm: nước lau sàn, nước rửa chén và trà quế của Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát, huyện Văn Yên nếu vào sàn TMĐT của Voso.vn… sẽ dễ dàng tìm thấy số lượng người mua rất nhiều và được người tiêu dùng đánh giá rất cao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: "Bưu điện sẽ phối hợp với các cấp, ngành và chính quyền các cấp rà soát các hộ sản xuất, kinh doanh có đủ điều kiện đưa sản phẩm lên sàn TMĐT để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hộ sản xuất. Mục tiêu năm 2022, có 100% sản phẩm OCOP đáp ứng được yêu cầu vận chuyển qua đường bưu chính sẽ được đưa lên sàn; các sản phẩm đặc sản chủ lực của các địa phương đủ điều kiện được đưa lên sàn; tối thiểu có 30.000 hộ sản xuất có sản phẩm đủ điều kiện được tạo gian hàng số và hướng dẫn kinh doanh trên sàn TMĐT”.
Để sàn TMĐT thực sự là kênh chiến lược thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, UBND tỉnh yêu cầu các hộ sản xuất nông nghiệp có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, hữu cơ, xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh để đưa lên sàn TMĐT nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp.
Cùng đó, các ngành chức năng cần hướng dẫn, đào tạo các hộ về kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT và đăng ký, sử dụng thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch; hướng dẫn về quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận sản phẩm khi tham gia các sàn TMĐT…
Hồng Duyên