Diện tích cây dâu tằm quy mô tập trung trên 800 ha; sản lượng kén tằm của huyện đạt trên 1.000 tấn/năm. Giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác 2,5-3 lần.
"Năm 2001, huyện Trấn Yên bắt đầu đưa cây dâu vào trồng và thực hiện mô hình nuôi tằm tại xã Việt Thành. Khó khăn về sự khởi đầu đồng thời những năm này lại là những năm khó khăn chung của các tỉnh có truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Năm 2000, là năm ảnh hưởng của giá tơ lụa trên thị trường thế giới giảm sút (giảm 40-50%) so thời điểm trước đó, ngành sản xuất, kinh doanh dâu tằm tơ chịu nhiều tác động suy giảm về các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ đã kéo theo nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ngày càng mai một” - bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết.
Từ năm 2011 trở lại đây, giá tơ lụa thế giới bắt đầu có xu hướng phục hồi xong những thời điểm như năm 2018, 2019 tình hình dịch bệnh Covid-19 không xuất khẩu được tơ nên đầu ra cho sản phẩm không tiêu thụ được, đồng thời sâu bệnh hại cây dâu, dịch bệnh trên tằm phát sinh.
Ngoài ra, huyện Trấn Yên cũng gặp khó khăn chung như các địa phương khác như chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm và phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này dẫn đến ngành chăn nuôi tằm phát triển còn thiếu bền vững.
Sau 20 năm thực hiện nghề trồng dâu và nuôi tằm trải qua nhiều khó khăn thăng trầm, đến nay, Chương trình trồng dâu dâu nuôi tằm trở thành một trong những chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp chủ lực của huyện, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn ở khu vực nông thôn. Hằng năm trên địa bàn huyện sản xuất 1.000 tấn kén doanh thu 200 triệu đồng/ha/năm.
Hiện có trên 1.500 hộ dân nghề trồng dâu nuôi tắm là thu nhập chính của hộ gia đình; 13 hợp tác xã dâu tằm thuộc 12 xã vùng trồng dâu/tổng số 21 xã thị trấn của huyện. Trong sản xuất đã có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ trồng dâu nuôi tằm với các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Huyện đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp về nghề trồng dâu nuôi tằm, liên kết với các đơn vị khoa học từ trung ương chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới....
Hiện Trấn Yên có 1 nhà nhà máy ươm tơ được xây với tổng diện tích gần 23.000 m2 Dự kiến đi vào hoạt động nhà máy có công suất: 150 tấn tơ sản phẩm/năm, tương ứng với lượng kén thu mua được là 1.200 tấn/năm góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm kén. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đồng cho biết: "Sản phẩm kén tằm được tiêu thụ hết góp phần đưa nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Thu nhập của người dân ổn định và ngày càng nâng cao”.
Huyện Trấn Yên tiếp tục xác định phát triển trồng dâu nuôi tằm là một trong mũi kinh tế chủ lực của địa phương, sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm kén tằm, tơ tằm. Trấn Yên phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển vùng trồng dâu tập trung, quy mô đạt trên 1.000 ha, đảm bảo sản lượng và chất lượng lá phục vụ nuôi tằm; sản lượng kén đạt trên 2.000 tấn, giá trị thu trên 200 tỷ đồng; nâng mức thu nhập của người trồng dâu nuôi tằm lên gấp 4 lần so với trồng lúa và các loại cây rau màu khác.
Đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm kén tằm; phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị. Đồng thời thu hút và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết để sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dâu tằm, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị từ dâu tằm.
Ngoài việc phát triển sản xuất, nâng cao giá trị từ các sản phẩm kén tằm, tơ tằm, huyện tiếp tục định hướng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển một số điểm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất tại địa phương.
Thành Trung