Thúc đẩy tiến độ
Các dự án đầu tư xây dựng: cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái; đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái; nối quốc lộ 32C với đường 174, huyện Trạm Tấu là ba trong số các dự án đầu tư vốn ngân sách đang được thúc đẩy tiến độ thi công, giải ngân theo kế hoạch vốn phân bổ năm và tổng thời gian thực hiện.
Trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái, chúng tôi được biết: Dự án cầu Giới Phiên, phần cầu đang thi công kết cấu phần dưới, đã hoàn thành 61/102 cọc khoan nhồi; đổ bê tông bịt đáy trụ T5, T6, T7, T8, bê tông bệ trụ T5, T6, T7, T8, đang thi công bê tông thân trụ T5, T6, T7, T8. Tới nay, giá trị thực hiện ước đạt 82,5 tỷ đồng, bằng 14,5%; giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt 204,3 tỷ đồng, bằng 99,85%. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2023.
Dự án đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái gồm 2 gói thầu xây lắp, đang thi công nền, móng đường, công trình thoát nước. Giá trị xây lắp thực hiện đến nay ước đạt 112 tỷ đồng, bằng 66,33%; giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt 19,3 tỷ đồng, bằng 38,73% kế hoạch vốn năm 2022.
Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Dự án đường quốc lộ 32C với đường 174, huyện Trạm Tấu gồm 4 gói thầu xây lắp, đang tổ chức thi công nền, mặt đường bê tông xi măng, công trình thoát nước. Giá trị xây lắp thực hiện đến nay ước đạt 197,1 tỷ đồng, bằng 63,92%; giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt 28,9 tỷ đồng, bằng 36,24% kế hoạch vốn năm 2022, dự kiến hoàn thành tháng 12/2022…
Đánh giá chung, tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm cơ bản đáp ứng yêu cầu; kết quả giải ngân đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đáng chú ý, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thuộc khu vực Nhà nước qua hệ thống TABMIS từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 vẫn đạt 2.181,5 tỷ đồng, bằng 46,5% kế hoạch vốn đã được phân bổ là 4.684,8 tỷ đồng.
Kết quả đó có được là do tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt; các chủ đầu tư đã tăng cường thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án, sâu sát, đôn đốc các nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công, giải ngân. Trong bối cảnh có những khó khăn riêng của năm 2022, cần ghi nhận đó là một nỗ lực lớn.
Tiến độ vẫn chậm, do dâu?
Tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân thanh toán vốn thời gian qua chưa đồng đều, còn chênh lệch lớn giữa khối huyện (đạt 60,1%) và khối các ban, sở, ngành (đạt 35,1%). Nguyên do là một số đơn vị khối ban, sở, ngành chưa thực sự nỗ lực trong thực hiện và đẩy mạnh giải ngân nên kết quả giải ngân còn thấp, chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, chưa đáp ứng yêu cầu.
Tiếp đến, các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn trong nước tiến độ triển khai thực hiện rất chậm: mới giải ngân đạt 38,8% trong khi hai tháng gần đây không có nhiều chuyển biến tích cực. Mức vốn dư ứng lớn: khoảng 1.000 tỷ đồng/tổng vốn tạm ứng của tất cả các dự án là 1.300 tỷ đồng, do đó, dự kiến giải ngân vốn ngân sách trung ương bổ sung (dự kiến bổ sung là 350 tỷ đồng) có thể sẽ khó khăn. Hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư là việc rà soát, đăng ký kế hoạch vốn hàng năm của các đơn vị chủ đầu tư chưa phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Hiện nay, công tác triển khai thực hiện các quy hoạch đô thị, xây dựng, xây dựng vùng huyện... còn chậm. Một phần do một số đơn vị tư vấn còn hạn chế về năng lực, nhân lực. Một phần do các địa phương còn nhiều lúng túng trong tổ chức triển khai thực hiện các bước lập quy hoạch.
Kế hoạch vốn năm 2022, UBND tỉnh đã để 40 tỷ đồng (vốn đầu tư 10 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 30 tỷ đồng) nhưng đến nay mới có 3 nhiệm vụ quy hoạch đủ điều kiện bố trí vốn, với số vốn dự kiến bố trí là 2,9 tỷ đồng.
Chưa kể một số chương trình phát triển đô thị của các địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán thực hiện nhưng đến nay chưa có nguồn để bố trí (các nhiệm vụ này không đủ điều kiện bố trí vốn đầu tư công; phải bố trí từ vốn sự nghiệp) nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.
Giải pháp cho "nước rút”
Để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, trong hai tháng cuối năm, tỉnh chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công của các công trình, dự án, đảm bảo chất lượng, tiến độ tại tất cả các khâu của dự án. Trong đó, yêu cầu phải xây dựng tiến độ chi tiết đối với từng dự án, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động, an toàn công trình và vệ sinh môi trường.
Quan điểm của tỉnh là kiên quyết thay thế những nhà thầu không đáp ứng được chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đã đề ra. Đồng thời, các ngành, địa phương, chủ đầu tư cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công các công trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán đối với các dự án đã hoàn thành, các dự án chuyển tiếp, nhất là các dự án khắc phục hậu quả thiên tai, các dự án công trình trọng điểm.
Đối với các dự án có tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân thấp cần điều chuyển vốn sang cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp bách.
Tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.895,8 tỷ đồng, bằng 82,7% kế hoạch, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.186,3 tỷ đồng, bằng 77,6% kế hoạch năm 2022, tăng 0,37% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt gần 686,7 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch năm 2022, tăng 19,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 22,7 tỷ đồng, bằng 113,9% kế hoạch năm 2022, tăng 55,1% so với cùng kỳ.
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư) |
Quang Thiều