Được phân bổ năm 2022 hơn 10 tỷ đồng theo NQ 69 của HĐND tỉnh, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình phối hợp với các xã thẩm định điều kiện của các hộ tham gia thực hiện các chính sách. Phòng đã hỗ trợ 94 cơ sở và 4 tổ hợp tác (THT) với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.
Trong đó, 4 cơ sở hỗ trợ mua mới con giống chăn nuôi lợn thịt có quy mô 100 con/lứa trở lên; 21 cơ sở hỗ trợ mua mới con giống chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô 15 con trở lên; 38 cơ sở hỗ trợ mua mới con giống để chăn nuôi trâu, bò có quy mô từ 10 con trở lên; 17 cơ sở hỗ trợ mua mới con giống để chăn nuôi dê có quy mô 30 con trở lên, kinh phí 136 triệu đồng; 2 THT tại xã Vĩnh Kiên; 2 THT tại xã Bạch Hà…
Trong tháng 11, Phòng tiếp tục giải ngân kinh phí hỗ trợ đợt 2. Ông Ngô Trọng Bằng ở thôn 6, xã Phú Thịnh chia sẻ: "Được hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư nuôi 15 con lợn nái để vực dậy kinh tế sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
Từ chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng nguyên liệu theo hướng bền vững, Hạt Kiểm lâm huyện triển khai hỗ trợ đợt 1 tại 4 xã: Tân Hương, Yên Bình, Đại Đồng, Yên Thành với diện tích rừng gần 165 ha, kinh phí gần 330 triệu đồng.
Hiện tại, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động các HTX, THT tiếp tục tham gia thực hiện chính sách trong vụ thu với tổng diện tích rừng đạt tiêu chuẩn gần 24 ha, kinh phí hỗ trợ gần 48 triệu đồng.
Theo ông Phạm Thành Đạt - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, những nội dung, chính sách chưa thực hiện được trong năm 2022 Phòng đang đề nghị điều chỉnh sang thực hiện hỗ trợ chi phí mua mới con giống chăn nuôi trâu, bò hoặc hỗn hợp nuôi trâu, bò liên kết sản xuất theo hình thức THT hoặc HTX có quy mô tối thiểu từ 20 con trở lên.
Đồng thời Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản đến các hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn để người dân hiểu đồng thuận thực hiện.
Cùng với NQ 69, thực hiện NQ 10 HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 với những quy định chi tiết điều kiện, cơ chế, định mức hỗ trợ của từng chính sách. Cụ thể như: chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch; hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ phát triển tài nguyên du lịch.
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã chủ động phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan triển khai thực hiện. Năm 2021, các địa phương được hỗ trợ 178 triệu đồng; trong đó, 60 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, phục vụ hoạt động của tổ thu gom rác thải tại thôn Suối Hốc, xã Ngọc Chấn; hỗ trợ thành lập, duy trì hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng tại các xã: Ngọc Chấn, Xuân Lai, Yên Thành, Phúc An, Vũ Linh, Tân Hương và duy trì làng nghề đan rọ tôm tại xã Phúc An. Từ đó, tạo động lực quan trọng kích cầu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng các địa phương.
Năm 2022, triển khai NQ 10, huyện Yên Bình tiếp tục duy trì hoạt động 8 đội văn nghệ tại các xã: Tân Hương, Vũ Linh, Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Ngọc Chấn và mở 2 lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Tày, Cao Lan tại 2 xã: Xuân Lai, Tân Hương.
Ông Nguyễn Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã Phúc An cho biết: "Thực hiện NQ 10 của HĐND tỉnh, xã Phúc An được hỗ trợ thành lập, duy trì 2 đội văn nghệ, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Dao, Cao Lan và duy trì làng nghề đan rọ tôm tại xã. Từ đó, đã kích cầu du lịch địa phương phát triển”.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả 2 NQ của HĐND tỉnh, nội dung các NQ này đã thấm sâu vào thực tiễn. Qua đó, người dân, doanh nghiệp, HTX được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Minh Huyền