Gia đình bà Tạ Thị Chín ở thôn 1, xã Đào Thịnh có 6 ha đất lâm nghiệp. Trước đây, bà Chín đã thay đổi nhiều loại cây trồng: chè, bồ đề, keo... song, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2015, bà Chín mạnh dạn tham gia chương trình trồng quế hữu cơ ở địa phương với mong muốn lựa chọn một giống cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình.
"Khi tham gia chương trình trồng quế hữu cơ, gia đình tôi được tiếp cận những kiến thức hoàn toàn mới về phương pháp canh tác quế. Khác với phương thức canh tác cũ, chúng tôi đã biết cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm phân bón, sử dụng thảm thực vật để tạo độ ẩm, độ xốp và sự mầu mỡ cho đất... Ban đầu khi áp dụng phương pháp mới còn nhiều bỡ ngỡ, song nhận thấy những lợi ích lâu dài mà việc trồng quế hữu cơ mang lại, nên gia đình tôi và các hộ trong thôn đã kiên trì thực hiện”, bà Chín cho biết.
Hiện, xã Đào Thịnh có hơn 800 ha quế, tập trung chủ yếu tại các thôn 5, 6, 7; trong đó, có những đồi quế có giá trị trên 30 năm tuổi. Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của cây quế ở địa phương, xã Đào Thịnh đã xây dựng Đề án quế hữu cơ nhằm tăng thu nhập cho người dân và hướng đến tạo một sản phẩm có thương hiệu riêng của xã Đào Thịnh.
Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã cho biết: toàn xã hiện có 500 ha quế hữu cơ. Những sản phẩm quế hữu cơ được sản xuất với quy cách không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào; đồng thời, chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên với mục đích là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của cộng đồng về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.
Theo mô hình sản xuất hữu cơ này, giá trị sản phẩm quế hữu cơ của xã Đào Thịnh cao hơn khoảng 50% so với sản phẩm quế thông thường; từ đó, mở ra những cơ hội lớn trong việc xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo cơ sở tăng thu nhập cho người dân.
Tại xã Kiên Thành, cùng với cây
tre măng Bát độ thì quế cũng là cây trồng kinh tế chủ lực tại địa phương. Hiện, toàn xã đã có hơn 1.300 ha quế hữu cơ, chiếm khoảng 45% diện tích quế của toàn xã. Thu nhập từ cây quế đã giúp cho rất nhiều hộ ở Kiên Thành trở thành triệu phú, tỷ phú.
Ông Dương Kim Hưng - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: để đẩy mạnh sản xuất quế hữu cơ, chính quyền địa phương đã phối hợp với các công ty, đơn vị có chuyên môn mở các lớp tập huấn, giám sát quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch của các hộ trong vùng nguyên liệu, thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra kịp thời phát hiện các chỉ số chất lượng.
Bên cạnh đó, với việc áp dụng hàng loạt những kỹ thuật trong trồng, chăm sóc quế hữu cơ, đã giúp xã giữ được nguồn gen của giống quế, bảo vệ nguồn nước, chất đất và môi trường của vùng quy hoạch. Phương pháp sản xuất hữu cơ đã và đang làm thay đổi tư duy áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng và chăm sóc quế của người dân.
Hiện nay, diện tích quế của huyện Trấn Yên đạt trên 20.000 ha, chiếm 25% diện tích quế của tỉnh Yên Bái. Cây quế được xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế rừng của huyện, được trồng tập trung tại các xã: Đào Thịnh, Tân Đồng, Việt Thành, Hòa Cuông, Y Can, Quy Mông, Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh...
Trong đó, diện tích chuyên canh tập trung theo hướng hữu cơ đạt 9.000 ha, diện tích đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn trong nước hơn 2.200 ha; tổng sản lượng vỏ quế khô hàng năm 4.000 - 5.000 tấn/ha thu nhập trên 400 tỷ đồng.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm từ quế ngày càng tăng, giá trị quế khá cao và ổn định; dẫn đến việc trồng quế trên địa bàn huyện diễn ra khá ồ ạt, không đúng với quy hoạch, việc áp dụng quy trình kỹ thuật vào trong quá trình trồng chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản chưa có sự thống nhất ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và môi trưởng sinh thái.
Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các ngành trong khối nông nghiệp phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, xã, thị trấn tổ chức hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm quế; đồng thời, nêu ra những giải pháp để sản xuất quế hữu cơ, sản xuất quế bền vững mang lại thu nhập ổn định cho người dân”.
Mục tiêu của huyện Trấn Yên đến năm 2025 là phát triển vùng nguyên liệu quế đạt 25.000 ha; trong đó, diện tích quế chuyên canh tập trung theo hướng hữu cơ đạt trên 12.000 ha.
Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng quy hoạch vùng sản xuất quế tập trung chuyên canh theo hướng hữu cơ; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm quế đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định; rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây quế giống đảm bảo các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn theo hướng bền vững, đặt biệt là sản xuất, chế biến sản phẩm quế được chứng nhận hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Hùng Cường