Đó là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chấp nhận ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tổ chức sản xuất theo hướng biến đổi khí hậu rồi từng bước cân bằng lại môi trường. Đó là sản xuất theo chuỗi để sản phẩm này là kết quả từ phụ phẩm của sản phẩm trước đó….
Làm kinh tế tuần hoàn từ điều kiện thực tế
Là một bạn trẻ khởi nghiệp ở Trà Vinh, Phạm Đình Ngãi cho biết, ban đầu anh không hề biết gì về kinh tế tuần hoàn mà chỉ làm từ suy nghĩ tận dụng những điều kiện của biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế, cân bằng môi trường trở lại. Thế là, từ các vùng đất giáp biển bị ngập mặn ngày càng rộng lớn và thu nhập của người nông dân trồng dừa ăn trái truyền thống như từ trước tới nay bị sụt giảm, Công ty Mật hoa dừa Sokfarm của anh Ngãi đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang trồng dừa thu mật hoa dừa, vừa thuận theo những tác động của biến đổi khí hậu, không bỏ trống đất nông nghiệp nhiễm mặn vừa tăng thu nhập cho nông dân gấp 5 lần so với trước đó.
Năm 2021, Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được nhận giải thưởng ASEAN Business Awards ở hạng mục "Inclusive Business– Doanh nghiệp phát triển toàn diện” dành cho doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn, vì đã phát huy được ngành nghề truyền thống, giải quyết công ăn việc làm, phù hợp với xu thế phát triển bền vững, tiêu dùng xanh.
Anh Phạm Đình Ngãi chia sẻ: "Tôi cũng là người đi làm, thấy giải pháp, thấy quê mình có điều kiện gì thì mình làm. Rồi khi làm thì tôi mới thấy phù hợp với hướng đó và theo đuổi, chứ ban đầu làm cũng chưa định hướng ngay được là kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm là gì. Điều mà Sokfarm làm được trong 3 năm vừa rồi và bền bỉ theo đó là mình đưa chế biến sâu, đưa sáng tạo, công nghệ vào để chuyển đổi tài nguyên bản địa thành những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh".
Còn anh Phạm Minh Thiện, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thanh Bình, chuyên sản xuất lúa gạo thì cho biết, doanh nghiệp đầu tư một khu đất trồng lúa ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Cánh đồng lúa này không được bón phân để giảm ô nhiễm cho đất. Khi thu hoạch, ngoài lúa được xay xát thành gạo, doanh nghiệp của anh còn tinh chế dầu cám, trồng nấm từ rơm, thu bột gạo và bã bột gạo làm thức ăn chăn nuôi, trấu thì làm trấu viên xuất khẩu... Anh Thiện cho rằng, doanh nghiệp căn cứ vào thị trường và khai thác theo chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn để cho ra nhiều sản phẩm được chấp nhận, tận dụng được hết các phụ phẩm.
Theo anh Thiện: "Với chuỗi giá trị của cây lúa thì từng sản phẩm trong chuỗi có được chào đón hay không tuỳ thuộc vào nhu cầu của bên tiếp theo trong kinh tuần hoàn. Mình cung cấp nguyên liệu mà bên tiếp theo đó sẽ cần, rất cần, mình biết mình bán được đi đâu. Tức là mình đi theo hướng tìm kiếm nhu cầu của người ta để cung cấp".
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu
Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối thời trang Faslink cho biết, Faslink đưa vào ứng dụng mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn cách nay 6 năm và đang được nhiều lợi ích từ việc nghiên cứu thực hành mô hình này. Ví dụ đơn giản và dễ nhìn thấy nhất là những gì ngành khác không dùng nữa như bã cà phê, rơm, thân cây sen... sẽ là nguyên liệu đầu vào cho Faslink.
Ngay trong năm 2021, Faslink đã thành công khi bán loạt sản phẩm đầu tiên làm từ bã cà phê như áo thun, áo sơ mi với tổng cộng hơn 3 triệu sản phẩm ở thị trường Việt Nam và một lượng lớn sản phẩm xuất khẩu.
Theo bà Xuân, để tái sinh, tái chế những "rác" nguyên liệu này, ngoài ý tưởng, sáng tạo, thì phải đặc biệt quan tâm đầu tư cho công nghệ sản xuất
"Nghĩ một cách đơn giản về kinh tế tuần hoàn là những gì ngành này không dùng nữa thì lại là nguồn nguyên liệu đầu vào đáng giá của ngành khác. Trong quá trình tái sinh thì rất cần công nghệ vì không chỉ là tái sinh thuần tuý sản phẩm mà còn là bảo toàn những tính năng vượt trội của nguyên liệu" - bà Xuân nêu rõ.
Sản xuất mật hoa dừa tại Mật hoa dừa Sokfarm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bền vững. Xu thế này không chỉ tạo ra những cơ hội làm ăn mới và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng vốn khá dễ đứt gãy như hiện nay mà còn mang lại hiệu quả vượt trội về lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân: "Trước giờ chúng ta thấy phát triển kinh tế thường đi với những hệ luỵ về môi trường. Kinh tế tuần hoàn giúp phá vỡ sự kết nối này, tạo nên mô hình vừa phát triển kinh tế mà không gây ô nhiễm môi trường, thậm chí đem lại những giá trị mới, "tái sinh” về môi trường, văn hoá, xã hội".
Kinh tế tuần hoàn đang được xem là công cụ, cách tiếp cận để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bởi việc phát triển kinh tế hiện nay luôn có những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường và đời sống con người, nên càng ngày càng nhiều nước hướng đến kinh tế tuần hoàn để hỗ trợ cân bằng phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường.
(Theo VOV)