Giải ngân 34.900 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2022
Theo đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), từ nay đến ngày 31/1/2023, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.151 tỷ đồng, số lượng vốn tập trung tại các dự án của các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án lớn thuộc Bộ (khoảng 12.218 tỷ đồng, chiếm 60,6%) và dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) 4.723 tỷ đồng, chiếm 23,4%.
Trong đó, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020 được giao kế hoạch vốn 16.034 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 12.439 tỷ đồng (77,6%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 3.595 tỷ đồng. 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 được giao kế hoạch 9.521 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 4.553 tỷ đồng (47,8%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 4.968 tỷ đồng.
Đối với nhóm các dự án ODA, kế hoạch đã giao 5.440 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 3.709 tỷ đồng (68,2%), kế hoạch còn lại chưa giải ngân 1.731 tỷ đồng, tập trung ở 8 dự án: Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch 350 tỷ đồng; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành 296 tỷ đồng; dự án kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc 211 tỷ đồng; dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên 92 tỷ đồng; dự án VRAMP 109 tỷ đồng; dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông 98 tỷ đồng; dự án WB6 kênh nối Đáy - Ninh Cơ 92 tỷ đồng và dự án tuyến nối QL91 - tránh Long Xuyên 92 tỷ đồng.
Các dự án trọng điểm, cấp bách được giao kế hoạch vốn 3.243 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 2.399 tỷ đồng (74%), kế hoạch còn lại chưa giải ngân 874 tỷ đồng, tập trung ở 6 dự án: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 242 tỷ đồng; tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình 241 tỷ đồng; dự án nâng cấp QL30 Cao Lãnh - Hồng Ngự 80 tỷ đồng; dự án QL24 thành phần 2 là 75 tỷ đồng; dự án nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất 55 tỷ đồng; dự án đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài 51 tỷ đồng.
Các dự án giao thông trong nước còn lại được giao kế hoạch vốn 20.812 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 11.798 tỷ đồng (56,7%), kế hoạch còn lại chưa giải ngân 9.013 tỷ đồng tập trung ở 20 dự án: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 4.723 tỷ đồng; tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột 334 tỷ đồng; nâng cấp luồng Cái Mép - Thị Vải 268 tỷ đồng; cầu Rạch Miễu 2 là 239 tỷ đồng; dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn 227 tỷ đồng; dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn 215 tỷ đồng; dự án nâng cấp, cải tạo QL279 là 193 tỷ đồng; dự án nâng cấp QL21B 178 tỷ đồng và dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua Cà Mau 163 tỷ đồng;
Giải ngân tiếp hơn 8.500 tỷ đồng cho cao tốc Bắc Nam
Trong hai tháng cuối của năm kế hoạch 2022, các Ban Quản lý dự án giao thông phải tiếp tục chạy đua giải ngân hơn 8.500 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I. Thông tin về tiến độ giải ngân, địa diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 11/2022, tổng khối lượng giải ngân cho dự án là gần 17.000 tỷ đồng. Khối lượng giải ngân còn lại của dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn I chủ yếu tập trung ở hiện trường, trong khi đó, khối lượng phải giải ngân ở dự án giai đoạn II chủ yếu tập trung ở công tác giải phóng mặt bằng.
Trong đó, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn I đã giải ngân 12.439 tỷ/16.034 tỷ đồng (77,6%). 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II đã giải ngân được 4.553 tỷ/9.521 tỷ đồng (đạt 47,8%). Tổng khối lượng phải giải ngân còn lại ở cả hai giai đoạn trong hai tháng cuối cùng của năm kế hoạch 2022 là 8.563 tỷ đồng.
Trong đó, Ban Quản lý dự án 7 cần giải ngân 1.146 tỷ đồng cho dự án giai đoạn I đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 849 tỷ đồng, cầu Mỹ Thuận 2 là 297 tỷ đồng và 1.289 tỷ đồng cho dự án giai đoạn II đoạn Vân Phong - Nha Trang 666 tỷ đồng, Chí Thạnh - Vân Phong 623 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án Thăng Long cần giải ngân 892 tỷ đồng cho dự án giai đoạn I đoạn Mai Sơn - QL45 là 551 tỷ đồng, Phan Thiết - Dầu Giây 341 tỷ đồng và 654 tỷ đồng cho dự án giai đoạn II đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng 415 tỷ đồng, Bãi Vọt - Hàm Nghi 239 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án 6 cần giải ngân 654 tỷ đồng cho dự án giai đoạn I đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu 344 tỷ đồng, Diễn Châu - Bãi Vọt 310 tỷ đồng và 568 tỷ đồng giai đoạn II đoạn Bùng - Vạn Ninh 342 tỷ đồng, Vũng Áng - Bùng 226 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cần giải ngân 628 tỷ đồng cho dự án giai đoạn I đoạn Cam Lộ - La Sơn 385 tỷ đồng, Nha Trang - Cam Lâm 243 tỷ đồng và 731 tỷ đồng cho một dự án thành phần dự án giai đoạn II đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.
Ban Quản lý dự án 2 cần giải ngân 180 tỷ đồng cho dự án giai đoạn I đoạn QL45 - Nghi Sơn và 572 tỷ đồng cho dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án giai đoạn II; Ban Quản lý dự án 85 cần giải ngân 84 tỷ đồng cho một dự án thành phần giai đoạn I đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và 747 tỷ đồng cho dự án giai đoạn II đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn 551 tỷ đồng, Quy Nhơn - Chí Thạnh 196 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cần giải ngân 408 tỷ đồng cho hai dự án thành phần giai đoạn II là Hậu Giang - Cà Mau 231 tỷ đồng, Cần Thơ - Hậu Giang 177 tỷ đồng. Sở GTVT Ninh Bình cũng cần giải ngân 11 tỷ đồng tại dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn.
(Theo Tin tức)