Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm. Trong đó, tập trung nâng cao chuyển dịch cơ cấu giống, chất lượng rừng trồng, gắn sản xuất với chế biến.
Với hàng chục ngàn héc-ta rừng, trong đó có hàng ngàn héc-ta quế sản xuất theo hướng hữu cơ, tre măng Bát độ hàng hóa, trồng rừng gỗ lớn được đầu tư chăm sóc, bảo vệ, nhân dân huyện Trấn Yên có điều kiện phát triển kinh tế, không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn làm giàu trên các vùng quê núi. Đến nay, độ che phủ rừng của huyện Trấn Yên cao nhất tỉnh, đạt trên 70%.
Như để minh chứng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Quy Mông - Phạm Kỳ Sơn dẫn chúng tôi đi xem rừng từ xã Quy Mông, Y Can rồi vào xã vùng cao Kiên Thành, đâu đâu cũng là rừng, rừng nối rừng xanh ngát quế, keo, tre măng Bát độ… vắt từ quả núi này sang quả núi khác.
Anh Sơn cho biết: "Trước đây, trồng, bảo vệ và phát triển rừng luôn gặp khó khăn, cán bộ phải đến từng thôn, từng nhà để vận động nhân dân; nay không phải vận động nữa mà đã trở thành một nghề, một nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây...".
"Rừng không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây trồng làm giàu, nhiều gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm không còn là chuyện hiếm. Ở nông thôn vùng cao mà nhà xây hai, ba tầng nhiều lắm; ô tô, xe máy chả kém gì thành phố đâu. Quan trọng hơn là tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển, chế biến, tàng trữ lâm sản trái phép đã cơ bản không còn. Đặc biệt, đã tạo ra bước chuyển quan trọng trong nhận thức và cách làm của người dân từ sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội và nay đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng” - anh Sơn cho biết thêm.
Vốn là công nhân Lâm trường Việt Hưng, gia đình anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn An Hòa, xã Y Can bằng những kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình công tác cùng với trên địa bàn có nhiều đất đai, gia đình đã tích cực trồng rừng bằng cây quế, cây keo lai.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trồng quế, keo khi cây khép tán tiến hành tỉa thưa và để lại những cây to, khỏe, dáng đẹp, từ những héc-ta rừng đầu tiên, đến nay gia đình đã phát triển được 40 ha rừng, trong đó có gần 30 ha quế (3 ha quế 25 năm tuổi) còn lại là giống keo lai, keo nhập nội. Đối với diện tích keo, anh tỉa thưa chỉ để lại 100 cây/ha.
Anh Chiến cho biết: "Trồng quế hay keo không khó lắm, nhưng quan trọng nhất là giống phải đảm bảo chất lượng, khi cây được 6 - 7 năm, lẽ ra được khai thác rồi nhưng bán gỗ non hiệu quả thấp, chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng/ha sau chu kỳ 8 năm. Nếu tỉa thưa, kinh doanh rừng gỗ lớn, sau 17 năm giá trị kinh tế lớn hơn rất nhiều, có thể gấp đôi, gấp ba. Như 5 ha rừng keo gỗ lớn của gia đình, sau tỉa thưa nay chỉ còn hơn 100 cây/ha, những cây bé nhất sau 17 năm đã đạt vanh trên 150, bình quân mỗi cây đạt 1,2 m3, vừa rồi có người đến mua trả 320 triệu đồng/ha tự thu hoạch gia đình chưa muốn bán…”.
Nhờ trồng rừng, gia đình anh Chiến từ một hộ nghèo nay đã trở thành hộ giàu ở xã Y Can với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Xây nhà khang trang, anh còn tự sắm cho mình một xe ô tô trị giá 1,3 tỷ đồng, rồi mua xe tải để chở phân, chở cây, chở gỗ, chở quế đi tiêu thụ.
Có thể nói, để có được những kết quả tốt trong phát triển nông - lâm nghiệp như hôm nay, huyện Trấn Yên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng liên kết sản xuất chuỗi giá trị.
Huyện đã hình thành vùng tre măng Bát độ với diện tích trên 4.000 ha, bình quân thu nhập đạt 35 - 40 triệu đồng mỗi năm. Vùng quế với diện tích trên 18.000 ha, bình quân mỗi năm trồng và khai thác trên 1.000 ha, sản lượng quế vỏ khô đạt 4.000 tấn. Diện tích, sản lượng thì Trấn Yên không phải là địa phương có nhiều, nhưng lại tập trung phát triển lấy chất lượng, hiệu quả kinh tế trên mỗi héc-ta canh tác làm thước đo.
Đến nay, đã xây dựng được 8.000 ha quế sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 2.000 ha đạt chuẩn quốc tế. Sản xuất quế sạch, an toàn, thân thiện với môi trường là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển nông - lâm nghiệp hiện nay.
Đây cũng là cách, là cơ hội, là động lực để người dân Trấn Yên không chỉ nâng cao giá trị mà còn nâng cao vị thế, nâng tầm thương hiệu quế Trấn Yên trên thị trường trong nước và quốc tế. Nói đến sản xuất quế sạch, quế hữu cơ có lẽ Trấn Yên là địa phương đi đầu trong tỉnh, chất lượng quế được xếp vào "top ten” bởi chất lượng và hàm lượng tinh dầu cao. Nhờ giá trị kinh tế từ cây quế mang lại, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu giấy sang trồng quế.
Đồng hành với phát triển vùng nguyên liệu, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút đầu tư chế biến nông, lâm, thổ sản, nhất là chế biến quế. Phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp đúng hướng, mỗi năm mang lại giá trị toàn ngành cho Trấn Yên trên 1.400 tỷ đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Màu xanh của rừng trải dài khắp các đồi núi từ vùng thấp đến vùng cao, xen lẫn dưới tán rừng là những ngôi nhà xây khang trang còn thơm nồng mùi sơn - một cuộc sống mới trên những làng quê trù phú đang hiện hữu ở Trấn Yên.
Thanh Phúc