Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% - mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong 11 tháng, ngành nông nghiệp có 8 sản phẩm (nhóm sản phẩm) đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như cà phê (trên 3,5 tỷ USD), cao su (2,9 tỷ USD), gạo (3,2 tỷ USD), cá tra (2,2 tỷ USD), tôm (4,1 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (14,6 tỷ USD). Hầu hết đều tăng trưởng 7-70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị phần xuất khẩu, châu Á chiếm 44,7%, châu Mỹ là 27,4%, châu Âu 11,3%, 16,6% thuộc các thị trường khác. Còn tính theo quốc gia - vùng lãnh thổ, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 12,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Đứng thứ hai là Trung Quốc khoảng 9,3 tỷ USD (18,9%); thứ ba là Nhật Bản với giá trị đạt 3,9 tỷ USD (7,9%)...
Năm nay, xuất khẩu trái cây của Việt Nam khá nhiều thuận lợi. Cuối tháng 11, sau 6 năm đàm phán, quả bưởi tươi chính thức được nhập khẩu vào thị trường Mỹ sau quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa...
Trước đó, lô sầu riêng xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam cũng được xuất chính ngạch qua Trung Quốc. Hay các sản phẩm khác như tổ yến, chanh dây, khoai lang Việt Nam cũng đã được chấp thuận xuất chính ngạch qua thị trường khổng lồ này.
Để nông sản Việt vươn xa trên thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông cho biết, sẽ đàm phán với Trung Quốc các nội dung kỹ thuật để sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài xuất khẩu sang Trung Quốc. Song song đó, nhà chức trách sẽ phối hợp kiểm tra trực tuyến hàng tuần với hải quan nước này với mặt hàng chuối và sầu riêng để thúc đẩy xuất khẩu thuận lợi. Sắp tới, Bộ sẽ đàm phán với nhà chức trách của các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Australia, New Zealand... để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch vào các quốc gia này.
Bộ sẽ tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phản hồi các góp ý đối với dự thảo biện pháp kiểm dịch động thực vật mới của Việt Nam đã thông báo với WTO. Cùng đó, Bộ sẽ hướng dẫn doanh nghiệp các quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài cũng như quy định về iện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
(Theo VnExpress)