Do các đường dây trung thế được xây dựng đã nhiều năm, chủ yếu đi qua vùng đồi núi, đặc biệt, thời gian gần đây, sự tăng trưởng mạnh của phụ tải, sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng giao thông, công nghiệp và dân sinh đã và đang gây không ít khó khăn cho quản lý vận hành, nhất là việc bảo vệ
hành lang an toàn (HLAT) lưới điện.
Tình trạng vi phạm HLAT lưới điện cao áp trên địa bàn Trấn Yên đang diễn ra khá phổ biến, chủ yếu là các hành vi: người dân tự ý cơi nới, xây dựng các công trình, trồng cây trong và sát HLAT lưới điện; khai thác cây cao ngoài hành lang nhưng không phối hợp với đơn vị quản lý vận hành để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lưới điện; các hoạt động thi công công trình, dự án không thông báo với đơn vị quản lý vận hành lưới điện... làm tăng nguy cơ mất an toàn về điện, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân…
Ông Hoàng Văn Quyết - Đội Quản lý tổng hợp Cổ Phúc cho biết: "Đường dây trung thế nằm chủ yếu trên núi, đồi và những diện tích này được người dân trồng chủ yếu là cây lâu năm. Vì là những cây có giá trị kinh tế và đa phần đất chưa có đền bù, nên người dân gây nhiều khó khăn cho ngành điện khi quản lý vận hành”.
Mặc dù Điện lực Trấn Yên đã phối hợp với Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp huyện và chính quyền các địa phương vận động nhân dân chặt tỉa, giải phóng cây các loại trong hành lang lưới điện cũng như tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều khoảng cột còn tồn tại cây cối trong và ngoài hành lang; một số nơi có nhà ở, cơ sở sản xuất, công trình vi phạm HLAT lưới điện.
Bên cạnh đó, việc đào, đắp đất làm mặt bằng tại các khu vực giáp với vị trí đặt cột điện có nguy cơ sạt lở, hoặc giảm chiều cao đường dây… Những vi phạm này khó xử lý hoặc chưa được xử lý triệt để, nên tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn trong quá trình vận hành lưới điện.
Ông Lê Văn Vượng - Đội Quản lý tổng hợp Lương Thịnh cho rằng: "Nhiều đường dây trung áp đi trên nhiều ao hồ mở dịch vụ câu cá; công trình xây dựng; tập kết vật liệu; đào, đắp mặt bằng; thả diều bị mắc vào đường dây… diễn ra khá phổ biến, gây cháy nổ, mất an toàn cho đường dây và người. Chúng tôi đã lắp đặt nhiều biển cảnh báo nguy hiểm tại những vị trí có nguy cơ cao để mọi người cùng biết và thực hiện”.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Điện lực Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tính chất, mức độ nguy hiểm của điện cao thế. Đối với những diện tích cây lâu năm trồng gần và có nguy cơ đổ vào đường dây, ngành điện sẽ tiến hành gắn biển cảnh báo, chằng buộc và sẽ hỗ trợ người dân khi khai thác; những diện tích trồng dưới đường dây sẽ vận động người dân khai thác khi chiều cao của cây so với đường dây an toàn. Tuyên truyền cho người dân không được đào, đắp đất những vị trí xung quanh cột điện hoặc đường dây thấp, tránh tình trạng đổ cột hay chập điện”.
Việc bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ đối với ngành điện mà là nhiệm vụ chung của các địa phương và toàn dân. Đây là vấn đề then chốt nhằm bảo đảm lưới điện vận hành liên tục, giảm thiểu thiệt hại về con người, tài sản và mức tiêu hao điện năng trên lưới, phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế chung của địa phương. Do đó, phải có sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan và sự hợp tác đồng thuận của người dân trong việc bảo vệ HLAT lưới điện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và ổn định đời sống sinh hoạt cho nhân dân.
Thanh Tiến - Thanh Hùng (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)