Việc sử dụng địa danh/dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để đăng ký cho sản phẩm đặc sản của địa phương đồng nghĩa với việc các sản phẩm này gắn với danh tiếng, chất lượng của một vùng, miền đó.
Đây là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng nhằm hạn chế tình trạng bị lạm dụng danh tiếng, chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhận thức điều đó, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh việc xác lập bảo hộ về chỉ dẫn địa lý (CDĐL) và trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về CDĐL được bảo hộ.
Để được bảo hộ CDĐL thì các sản phẩm phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính mà chủ yếu là do điều kiện địa lý mang lại. Chính vì yếu tố này, các sản phẩm được bảo hộ CDĐL sẽ dễ dàng nổi bật hơn; thậm chí, có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Năm 2010, quế Văn Yên được cấp giấy chứng nhận đăng ký CDĐL cho 8 xã trên địa bàn huyện.
Để phát huy giá trị của CDĐL, người dân trên địa bàn huyện đã thay đổi tập quán canh tác theo hướng hữu cơ, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Năm 2020, quế Văn Yên cũng đã được Thái Lan bảo hộ CDĐL cho sản phẩm quế vỏ tại Thái Lan.
Đặc biệt, từ ngày 1/8/2020, quế Văn Yên là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nhờ đó, các sản phẩm từ quế đã xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Anh Trần Văn Tráng - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất và kinh doanh tổng hợp CQ, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên - đơn vị thu mua quế hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cho biết: "Cơ bản những diện tích quế hữu cơ chúng tôi đang theo dõi, giám sát để thu mua đều đạt các điều kiện để xuất khẩu. Ngoài ra, sản phẩm quế của huyện nhà cũng đã được khẳng định về những đặc tính nổi bật khi được công nhận CDĐL nên được thị trường khá ưa chuộng. Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp của tôi thu mua khoảng 300 tấn quế, doanh thu đạt 17 tỷ đồng”.
Hiệu quả của bảo hộ CDĐL đã được chứng thực trên thực tế, đó là giá trị và uy tín của nhiều sản phẩm gia tăng đáng kể. Đây cũng là động lực cho người nông dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại.
Bởi vậy, việc xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ; trong đó, có CDĐL được tỉnh ta đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện thông qua các nhiệm vụ khoa học. Tỉnh cũng đã ban hành Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng bảo hộ tài sản trí tuệ; trong đó, có CDĐL.
Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 10 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ CDĐL, trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về bảo hộ CDĐL. Không chỉ quan tâm đến số lượng, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị các CDĐL này cũng được tỉnh và các địa phương quan tâm.
Năm 2021, UBND tỉnh đã giao cho UBND thị xã Nghĩa Lộ thực hiện Dự án khoa học Quản lý, phát triển CDĐL Gạo Mường Lò cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò. Thị xã đã phối hợp nghiên cứu hoàn thiện mô hình quản lý CDĐL Gạo Mường Lò nhằm phát huy giá trị CDĐL trong sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.
Qua đó, đã xây dựng một mô hình điểm về sản xuất lúa séng cù chất lượng cao cho CDĐL với quy mô 40 ha tại xã Hạnh Sơn; hình thành quy trình khép kín từ khâu chọn giống đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm, chế biến, đóng gói, tiêu thụ.
Qua 2 vụ triển khai mô hình, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha, giá bán tăng 30% so với trước đây. Còn tại huyện Văn Chấn - địa phương vừa được trao 2 chứng nhận CDĐL Cam Văn Chấn và Chè Shan tuyết Suối Giàng, ông Ông Đặng Duy Hiển - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cũng đã khẳng định huyện tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các hộ dân trong gìn giữ, sử dụng thương hiệu, tạo lập lòng tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm đã được cấp bằng bảo hộ.
Việc đăng ký bảo hộ CDĐL thực chất mới chỉ là giai đoạn đầu tiên. Điều quan trọng là sau khi đăng ký, chủ sở hữu CDĐL, các ngành chức năng tiếp tục nâng cao chất lượng và duy trì tính đặc trưng của sản phẩm; quan tâm nhiều hơn đến việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường mở rộng sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, thực hiện cấp mã số vùng trồng, kết hợp với giám sát, đánh giá chất lượng định kỳ của sản phẩm.
Đặc biệt là cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang CDĐL. Để nông sản Yên Bái giữ vững được chất lượng, uy tín ở thị trường trong nước, dần vươn ra và có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài.
Hoài Anh