Được mùa cây ăn quả

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/12/2022 | 1:44:56 PM

YênBái - Thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Trấn Yên xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đa canh làm hàng hóa và thị trường. Ngoài cây tre măng Bát độ, cây dâu tằm, cây quế hữu cơ, huyện còn xác định phát triển cây ăn quả làm ngành kinh tế chủ lực.

Vườn bưởi của gia đình anh Trần Mạnh Hiến, xã Quy Mông cho thu lãi 60 triệu đồng/năm.
Vườn bưởi của gia đình anh Trần Mạnh Hiến, xã Quy Mông cho thu lãi 60 triệu đồng/năm.

Để cụ thể hóa tạo sự lan tỏa mạnh, huyện ra nghị quyết chuyên đề về chương trình trồng cây ăn quả trên địa bàn; huyện, xã tập trung quy hoạch vùng trồng cây ăn quả. Đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, nghiên cứu lựa chọn giống, ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, kỹ thuật. 

Với sự nỗ lực từ huyện đến người dân, Trấn Yên đã trở thành địa phương có vùng cây ăn quả không chỉ lớn về diện tích mà còn có năng suất cao, chất lượng tốt. Trong năm 2022, bà con đã trồng trên 50 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích toàn huyện lên gần 1.200 ha, trong đó có gần 800 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là bưởi, cam, quýt, chanh. Diện tích cây ăn quả trồng tập trung tại các xã: Hồng Ca, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Quy Mông, Y Can. 

Năm 2022 này, mặc dù khí hậu thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên cây sinh trưởng phát triển tốt, sản lượng không dưới 6.000 tấn, trong đó có hơn nửa là quả có múi, giá trị thu nhập đạt trên trăm tỷ đồng. 

Trồng và phát triển cây ăn quả ở Trấn Yên đã mang lại giá trị cao, cùng với chương trình tre măng Bát độ, trồng dâu nuôi tằm là những ngành kinh tế chủ lực giúp dân thoát nghèo, làm giàu. Xã Hưng Thịnh vốn là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào cây chè và trồng rừng, nhưng giờ đây cây ăn quả đã chiếm vị trí độc tôn. 

Chủ tịch UBND xã Lê Anh Tuấn cho biết: "Trong vòng 5 năm trở lại đây, từ những héc-ta cây ăn quả đầu tiên, đến nay xã Hưng Thịnh đã trồng và phát triển trên 280 ha cây ăn quả, sản lượng thu hái đạt trên 1.309 tấn mỗi năm. Không sản xuất tự phát mà người dân sản xuất theo quy mô, bài bản, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rất tốt". 

Hợp tác xã (HTX) cây ăn quả Hưng Thịnh với 14 thành viên, không chỉ bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên diện tích 30 ha, với sản lượng trên 200 tấn mỗi năm mà còn tham gia vào chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực (cây ăn quả) của xã, góp phần hình thành phát triển bền vững vùng cây ăn quả. Bình quân mỗi năm người dân trong xã có thu nhập trên 20 tỷ đồng từ cây ăn quả, nhiều gia đình thu nhập 200 - 300 triệu đồng từ cây ăn quả mỗi năm. Nhờ vậy, số hộ giàu ngày một nhiều, hiện cả xã chỉ còn 5,69% hộ nghèo đa chiều. 

Năm 2016, gia đình anh Nguyễn Văn Học ở thôn Yên Bình chuyển đổi 1 ha rừng quế sang trồng cây ăn quả, đến nay, gia đình có 400 gốc quýt Đường canh, quýt vỏ giòn và 500 gốc cam sành. Năm trước, gia đình bán cho thu 300 triệu đồng. 

Năm nay, được mùa được giá, dự kiến từ nay đến cuối vụ gia đình thu 500 triệu đồng. Không như Hưng Thịnh, từ một địa phương chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thì nay Quy Mông được biết đến với hàng loạt mô hình, trang trại trồng cây ăn quả mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Gia đình anh Trần Mạnh Hiến trước đây trồng bưởi theo phong trào tự phát. Từ khi vào HTX, gia đình tuân thủ nghiêm ngặt từ chăm sóc đến khi thu hái và sau bảo quản theo quy trình sạch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Với 165 cây bưởi, chủ yếu là giống bưởi Diễn, bưởi Cát Quế, mỗi năm gia đình bán cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. 

Ông Đỗ Xuân Sáng - Giám đốc HTX Cây ăn quả Quy Mông cho biết: "HTX có 29 thành viên và liên kết với phần lớn bà con nông dân trong xã trồng chăm sóc bưởi theo quy trình VietGAP trên diện tích 80 ha. Nhờ đầu tư chăm sóc theo quy trình "sạch” nên toàn bộ sản phẩm đã được tiêu thụ hết”. 

Trồng và phát triển cây ăn quả có quy hoạch, bài bản, giống tốt, đặc biệt là biết liên kết trong sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần làm giàu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn Trấn Yên. 

Ngọc Trúc

Tags Trấn Yên nông thôn mới nông nghiệp tre măng Bát độ VietGAP

Các tin khác
Quang cảnh buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022.

Ngày 29/12, Cục Thống kê tỉnh Yên Bái tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022.

Từ 1/2/2022 đến nay, thuế VAT được áp dụng giảm từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết nhóm hàng hóa dịch vụ theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Công nhân Đội Vệ sinh môi trường đô thị huyện Văn Yên vận hành lò đốt rác tại xã Đông Cuông. Ảnh T.L

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư 13 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt phân đều tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh bằng nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa.

Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu.

Năm 2022, kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng, nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng số một của đại đa số các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu; các thị trường như: EU, Nhật Bản… thời gian qua suy giảm tương đối về sức mua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục