Nông nghiệp Yên Bái một năm vượt khó

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/12/2022 | 9:25:07 AM

YênBái - Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,95%, vượt kế hoạch giao 1,41%, đóng góp 22,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đưa Yên Bái đứng thứ 6 trong 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ.

Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường, trong đó có đặc sản bưởi Đại Minh, Yên Bình.
Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường, trong đó có đặc sản bưởi Đại Minh, Yên Bình.


Năm 2022, khu vực nông nghiệp, nông thôn Yên Bái phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cục diện thế giới có nhiều biến động làm giá cả một số vật tư thiết yếu tăng cao. 

Bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bảo đảm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như thị trường. Nhờ đó, khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn đạt được những kết quả khá toàn diện, đảm bảo tiến độ kế hoạch và kịch bản tăng trưởng đề ra. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,95%, vượt kế hoạch giao 1,41%, đóng góp 22,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đứng thứ 6 trong 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ. 

Các chỉ tiêu sản xuất cơ bản hoàn thành theo kịch bản đã đề ra, một số chỉ tiêu đạt cao như: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 102,4% kế hoạch, tăng 0,42% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại vượt 14,9% kế hoạch; khai thác gỗ rừng trồng đạt 101% kế hoạch, tăng 9,2% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt 107% kế hoạch, tăng 6,9% so với cùng kỳ. 

Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp, các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung hàng hóa và đặc sản hữu cơ như: vùng quế hơn 81.000 ha, sơn tra gần 10.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, dâu tằm hơn 1.000 ha, diện tích rừng trồng nguyên liệu hơn 90.000 ha; tre măng Bát độ hơn 5.400 ha;... 

Các sản phẩm đặc sản như: lúa nếp đặc sản xã Tú Lệ 100 ha; chè Shan hữu cơ của huyện Văn Chấn và Trạm Tấu 1.200 ha; vịt bầu Lâm Thượng hơn 122.000 con và các chủng loại dược liệu hơn 3.900 ha. 

Chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản không ngừng được nâng cao theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy. Đến nay, toàn tỉnh đã có 37 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; đánh giá và cấp 49 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực và cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận hữu cơ cho 18.421 ha rừng. 

Công tác xúc tiến thương mại được tăng cường, các hoạt động khảo sát, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm được triển khai thường xuyên. Năm 2022, toàn tỉnh đã đưa 4.826 lượt sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn với 8.790 đơn hàng giao dịch thành công, doanh thu trên 1,5 tỷ đồng. 

Đặc biệt, năm 2022 được coi là năm "bản lề”, là thời kỳ chuyển giao trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với bộ tiêu chí nâng cao, trong khi nguồn lực hỗ trợ của Trung ương còn chậm song chương trình XDNTM vẫn tiếp tục lan tỏa khi toàn tỉnh đã có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 99 xã, đạt 66% tổng số xã toàn tỉnh (trong đó có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, góp phần tạo chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế vùng nông thôn. Năm 2022 toàn tỉnh có thêm 45 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, đưa toàn tỉnh lên 183 sản phẩm OCOP. Những thành quả trên đã trở thành dấu ấn đậm nét ngành nông nghiệp, qua đó khẳng định vai trò "bệ đỡ” của nền kinh tế, góp phần ổn định đời sống người dân.

Bước sang năm 2023, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình XDNTM theo hướng chất lượng, giá trị, đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường; chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. 

Để đạt mục tiêu này, ngành sẽ tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy và các đề án chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 -2025. Tập trung nâng cao và duy trì chất lượng, giá trị hiệu quả sản xuất đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản chủ lực. phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu; phát triển trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC và lâm sản ngoài gỗ gắn với chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. 

Bên cạnh tập trung vào các sản phẩm có lợi thế, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất; mở rộng các mô hình, dự án liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc sản; tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu. 

Cùng với đó tiếp tục thực hiện hiệu quả, chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023, Yên Bái phấn đấu có tối thiểu 6 xã đạt chuẩn NTM, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với đó, tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…

Thông Nguyễn

Tags chứng chỉ FSC OCOP nông nghiệp trụ đỡ hữu cơ đặc sản NTM

Các tin khác
Thị trường vàng trong nước trầm lắng.

Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch cuối tuần, trước khi kết thúc năm 2022.

Yên Bái là một trong những địa phương thực hiện quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh

Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, tỉnh Yên Bái dự kiến nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 là 280.000 tỷ đồng.

Khu vực nút giao QL49 và tuyến tránh Huế.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài gần 100 km có điểm đầu tại quốc lộ 9, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối thuộc xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,03%, vượt mục tiêu Quốc hội giao; lạm phát “ngược dòng” lạm phát cao của toàn cầu, được kiểm soát ở mức 3,15%. Đây được xem là thắng lợi kép của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục