Năm 2022, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN huyện Văn Chấn gặp nhiều khó khăn khi giá cả các mặt hàng có nhiều biến động, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhất là sản phẩm chè do chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Bên cạnh đó, khoảng thời gian giữa năm, giá xăng, dầu liên tục "lập đỉnh” khiến cho giá vận tải và giá nguyên liệu đốt lò, phân bón tăng gấp đôi, có mặt hàng tăng gấp ba lần. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đều là các doanh nghiệp nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, ít có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trước thực trạng trên, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn. Theo đó, huyện thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn; động viên, thông tin, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực triển khai đúng, đủ các chính sách hỗ trợ đầu tư về khuyến công, khoa học công nghệ đối với cơ sở, doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất; tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025...
Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp tốt, kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, chăm sóc vùng nguyên liệu, bảo đảm sản lượng chất lượng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp; tập trung khuyến khích các hộ gia đình thành lập các tổ hợp tác, HTX, làng nghề nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Theo bà Hoàng Thị Lý - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đã kịp thời đưa sản xuất CN-TTCN huyện phục hồi và phát triển. Đơn cử như lĩnh vực chế biến chè, huyện đã triển khai các nguồn vốn ưu đãi phục vụ cho sản xuất, hỗ trợ các nguồn vốn thuộc chương trình khuyến công, sự nghiệp khoa học và công nghệ để giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cải tạo nâng cấp các dây chuyền công nghệ cao phục vụ cho sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế, ổn định được đời sống của người lao động.
Lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng, huyện chủ trương nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các đơn vị doanh nghiệp phát triển nhằm thúc đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất gạch, nhất là gạch không nung, khai thác vật liệu xây dựng như đá, cát, sỏi… Nhờ đó, năm 2022, giá trị ngành khai thác vật liệu xây dựng toàn huyện đạt 41 tỷ đồng, tăng gần 1,5 tỷ đồng so với năm 2021.
Năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, phát triển ổn định. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2022 đạt 1.463 tỷ đồng, bằng 103,03% kế hoạch. Trong đó, sản phẩm chè chế biến đạt 18.900 tấn, ván bóc đạt 31.700 m3, đá các loại đạt 400.000 m3, gạch các loại đạt 18,5 triệu viên, quặng sắt đạt 27.000 tấn, xay xát lương thực đạt 40.000 tấn…
Phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.465 tỷ đồng trong năm 2023, Văn Chấn tăng cường bố trí, đảm bảo và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển; triển khai đúng, đủ các chính sách hỗ trợ đầu tư về khuyến công, khoa học công nghệ đối với cơ sở, doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất.
Đồng thời vận động các doanh nghiệp phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có để tạo thêm sản phẩm mới và tăng thêm năng lực sản xuất cho ngành; chủ động nắm bắt, thu thập thông tin về tình hình hoạt động các doanh nghiệp để tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm đến các đối tác trong và ngoài tỉnh, giúp cho doanh nghiệp nội huyện chủ động trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hùng Cường