Có sự quan tâm, giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã tiến hành triển khai mô hình "Vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học”. Thông qua thực hiện, các hộ tham gia thiết thực nâng cao thu nhập gia đình và là những nhân tố góp phần nhân rộng mô hình ra cộng đồng.
Mục tiêu của mô hình là xây dựng được 2 mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải với quy mô 62 con, 20 hộ tham gia và tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu quy mô 61 con, 20 hộ tham gia; khối lượng cơ thể tăng trung bình với bò loại thải - 750 gam/con/ngày, với bò thịt vỗ béo - 850 gam/con/ngày; 100% hộ tham gia nắm được quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; có trên 10 hộ nhân rộng mô hình.
Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã phối hợp, tiến hành rà soát, ưu tiên điểm triển khai là các xã đang xây dựng nông thôn mới, có chính sách và quy hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc. Xã Khao Mang và xã Xà Hồ được lựa chọn bởi đáp ứng các tiêu chí của dự án đề ra. 40 hộ tham gia đáp ứng các yêu cầu cụ thể: có bò đúng đối tượng để đưa vào vỗ béo; chưa áp dụng đúng quy trình vỗ béo; cam kết tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; chưa nhận hỗ trợ bất kỳ nguồn kinh phí nào từ ngân sách Nhà nước cho thực hiện nuôi vỗ béo bò và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
Dự án triển khai tại địa bàn khó khăn nên mức hỗ trợ của Nhà nước là 100% vật tư, phần còn lại người dân tự đối ứng về rơm, dạ, trấu… để ủ phân xử lý chất thải. Mức hỗ trợ của Nhà nước cho 1 con bò vỗ béo là 270 kg thức ăn hỗn hợp, 1 liều thuốc nội ký sinh trùng, 1 liều thuốc ngoại ký sinh trùng và 0,75 lít chế phẩm vi sinh.
Sau 3 tháng nuôi bò loại thải vỗ béo trong mô hình tại xã Khao Mang, bình quân tăng trọng 779 gam/con/ngày, cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 18% và bò thịt vỗ béo trong mô hình đạt 884 gam/con/ngày, cao hơn ngoài mô hình khoảng 22,5%; tại xã Xà Hồ, nuôi bò loại thải vỗ béo trong mô hình tăng trọng 796 gam/con/ngày, cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 19% và bò thịt vỗ béo trong mô hình đạt 884 gam/con/ngày, cao hơn ngoài mô hình khoảng 21,5%.
Kết quả cho thấy hiệu quả của việc áp dụng, thực hiện đúng quy trình của dự án. Các hộ chuyển dần từ chăn nuôi tự phát, chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình về cách phối trộn thức ăn, cho ăn, chế biến dự trữ thức ăn, xây dựng khẩu phần ăn, cho ăn phù hợp giúp tăng trọng nhanh, xuất bán đúng thời điểm... Các hộ tham gia mô hình cũng đã thực hiện tốt việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, góp phần khuyến khích các hộ xung quanh đồng loạt áp dụng các biện pháp xử lý môi trường.
Theo tính toán, mô hình có những ưu điểm so với sản xuất đại trà: đối với bò loại thải vỗ béo, bình quân 2 xã tăng trọng đạt 787,5 gam/con/ngày, hiệu quả kinh tế tăng 18,5% so với nuôi vỗ béo tự phát tại địa phương chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; đối với bò thịt vỗ béo, bình quân tăng trọng đạt 881,5 gam/con/ngày, hiệu quả kinh tế tăng 22% so với nuôi vỗ béo bò thịt tự phát tại địa phương chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật.
Chăn nuôi bò áp dụng quy trình vỗ béo trung bình ở cả 2 xã tăng 20,3% so với chăn nuôi bò không áp dụng quy trình vỗ béo và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; bò thịt nuôi vỗ béo tăng trọng nhanh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với vỗ béo bò loại thải. Bò vỗ béo có hình thức đẹp, bắt mắt nên được các thương lái ưa chuộng, dễ tiêu thụ.
Nhờ tham gia tập huấn kỹ thuật, các hộ đã biết cách tẩy giun, sán và tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định nên đàn bò không có dịch bệnh xảy ra, đạt yêu cầu của dự án đồng thời từng bước áp dụng mở rộng chăn nuôi vỗ béo bò thịt ở địa phương. Từ quy mô hỗ trợ ban đầu 123 con, 40 hộ tham gia ở 2 xã, sau thời gian triển khai đã nhân rộng thêm 24 con, 12 hộ tham gia.
Triển khai từ tháng 3 - 9/2022, mô hình vỗ béo bò thịt cho kết quả tăng trọng tốt, hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã giúp cho các hộ dân chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh, tăng khối lượng và chất lượng sản phẩm thịt, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường đồng thời góp phần tuyên truyền, nhân rộng ra đại trà.
Nguyễn Thơm