"Xây được nhà cao cửa rộng, đẩy được cái nghèo, vươn lên làm giàu; con cháu được ăn học đến nơi đến chốn… một phần cũng là nhờ Nghị quyết 69 đó chú ạ!”. Ông Lê Văn Tuấn ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình phấn khởi chia sẻ.
Cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn, trước đây đời sống của gia đình ông Tuấn gặp không ít khó khăn. Có vườn, có đất rừng rồi cũng chăn nuôi lợn, trâu bò… nhưng vì thiếu vốn, tư duy, tầm nhìn hạn chế nên quy mô chăn nuôi và sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhưng đó là chuyện của hai năm trở về trước, còn hiện tại ông Tuấn đang sở hữu 3 ha đồi rừng, 10 con bò, 10 con lợn nái, hàng năm thu về hơn 160 triệu đồng.
Ông Tuấn cho biết: "Khi được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Nghị quyết 69, kết hợp với nguồn vốn của gia đình, tôi đã mạnh dạn xây dựng lại chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi và trồng rừng. Nhờ lấy ngắn nuôi dài và được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nên đàn bò, lợn phát triển tốt, đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình tôi”.
Còn chị Hoàng Linh ở thôn 3, xã Phú Thịnh (Yên Bình) thì phấn khởi thông tin đã sử dụng 40 triệu đồng được hỗ trợ để đầu tư chăn nuôi lợn với quy mô 100 con lợn thương phẩm/lứa. Trước đây, gia đình chị Linh chỉ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, bước sang năm 2021, gia đình chị quyết định mở rộng đầu tư chuồng trại, tăng đàn, chăn nuôi quy mô hơn, bài bản hơn.
Chị Linh khẳng định: "Năm 2021, trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân thì việc được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh là một cú huých, động lực quan trọng giúp những hộ chăn nuôi như chúng tôi”.
Mô hình chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Lê Văn Tuấn ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình.
Cũng như chị Linh, trước đây, gia đình anh Trần Văn Huynh, thôn Kiến Thịnh 1, xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống, chuồng trại tạm bợ. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhờ được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 69, anh Huynh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi tập trung, đem lại lợi nhuận cao.
Anh Huynh cho biết: "Hiện, gia đình tôi có 10 con lợn nái và 100 con lợn thương phẩm. So với chăn nuôi nhỏ lẻ như ngày xưa thì chăn nuôi tập trung vừa giảm nhân công, vệ sinh chuồng trại thuận lợi, lại đảm bảo an toàn phòng bệnh. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng chuồng trại để tăng đàn, đem lại thu nhập cho gia đình”.
Nghị quyết 69 không chỉ tạo động lực cho người chăn nuôi ở vùng thấp mà đồng bào ở vùng cao cũng rất phấn khởi khi chính sách đi vào cuộc sống. Ông Giàng Chứ Ly ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải không giấu được niềm vui khi được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Nghị quyết 69 để phát triển đàn gia súc chính.
Ông Giàng Chứ Ly bày tỏ: "Đồng bào mình cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm, bởi từ nguồn hỗ trợ này đã giúp cho gia đình mua thêm con giống để tăng đàn, phát triển kinh tế”. Được biết, trước đây, gia đình ông Ly là hộ nghèo, nhưng từ năm 2021 nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và kinh phí hỗ trợ từ Nghị quyết 69, hiện gia đình ông đã phát triển tốt mô hình chăn nuôi với 12 con trâu, bò là cơ sở để thoát nghèo và vươn lên”.
Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh khóa XVIII về Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông -lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 và Hướng dẫn số 01/HD-UBND ngày 19/2/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 69, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, tạo "cú huých” quan trọng cho người dân trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết, đã có hàng ngàn hộ dân đủ điều kiện được hưởng kinh phí hỗ trợ, từ đó xuất hiện nhiều dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nhóm chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ; chính sách hỗ trợ phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững; chính sách hỗ trợ cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo…
Qua đó, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, chất lượng, gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Vui hơn, thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ, trong 2 năm qua đã có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới, năng lực và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác được nâng cao, nhất là trong chủ trì, tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.
Đặc biệt, sức lan tỏa của Nghị quyết 69 đã trở thành động lực giúp hàng ngàn người dân từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn tỉnh phát huy lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giá trị cạnh tranh trên thị trường, mang lại thu nhập cao…
Tất cả để thấy tính thiết thực, hiệu quả từ một nghị quyết cho dân, vì dân và vì sự phát triển chung từ cơ sở, để đón xuân Quý Mão 2023 này, hàng ngàn hộ nông dân hân hoan trong khí thế mới, sức sống mới và xin cảm ơn "69”!
Văn Tuấn