Chiều 27-1, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự cuộc gặp mặt nhân dịp đầu xuân mới và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ trong phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong dịp Tết, hệ thống ngân hàng được đảm bảo thông suốt, an toàn, việc xử lý một số vấn đề của hệ thống được kịp thời.
Thủ tướng nêu ba nút thắt lớn, trọng tâm là nguồn vốn chưa đáp ứng kịp thời
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những vấn đề mà ngành cần nỗ lực hơn. Đó là việc phản ứng chính sách có thời điểm còn chậm. Nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu. Công tác thanh tra, giám sát có lúc chưa phát hiện kịp thời các sai phạm để xử lý. Việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm.
Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng thực hiện nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng cho rằng các yếu tố thế giới và trong nước đều phức tạp, khó lường. Đặc biệt là áp lực lạm phát, xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, những tồn tại hạn chế trong nền kinh tế chưa được xử lý...
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu cần ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; rà soát pháp lý, hoàn thiện quy định về ngân hàng trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, không cầu toàn.
Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả.
Bên cạnh đó, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, động lực tăng trưởng
Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý. Tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng. Không để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt mà lại thiếu vốn, hướng dòng vốn đi đúng hướng.
Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.
Thủ tướng nhấn mạnh: Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo…
Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện, Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống trong mọi tình huống. Không để mất an toàn hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thủ tướng yêu cầu mạnh dạn tuyên truyền để người dân yên tâm về vấn đề này trên tinh thần đã hứa thì phải làm, đã làm phải hiệu quả.
Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát toàn hệ thống. Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng ai làm sai thì phải bị xử lý.
Kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và cảnh báo, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm, các việc làm chưa đúng. Ai yếu kém, ai sợ làm thì đứng sang một bên.
Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, sở hữu chéo, "sân sau", cho vay không đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý của các tổ chức tín dụng; khẩn trương thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại đã được cấp có thẩm quyền cho phép.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài.
(Theo TTO)