Yên Bái: 5 giải pháp hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/1/2023 | 7:31:13 AM

YênBái - Mục tiêu, nguyên tắc phân bổ vốn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, áp lực giải ngân năm 2023 rất lớn khi lượng vốn đầu tư tăng, cộng thêm phần vốn của năm 2022 chuyển sang. Làm thế nào để hoàn thành các mục tiêu đề ra, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về vấn đề này.

Nhà thầu gấp rút thi công công trình cầu Giới Phiên. (Ảnh: Văn Tuấn)
Nhà thầu gấp rút thi công công trình cầu Giới Phiên. (Ảnh: Văn Tuấn)


P.V: Thưa đồng chí, nhìn lại năm 2022 khi áp lực giải ngân vốn lớn, chúng ta đã nỗ lực như thế nào và kết quả đạt được ra sao?


 Đồng chí Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái

Đồng chí Đoàn Hữu Phung: Là năm có nhiều thách thức, bất lợi ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư công như: mưa nhiều, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; thậm chí, còn khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu. 

Bên cạnh đó, năm 2022 cũng là năm đầu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nên khối lượng công việc nhiều; quy trình quản lý, thủ tục cấp phát vốn nước ngoài còn phức tạp; một số nguồn vốn được Trung ương giao bổ sung muộn... 

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giám sát của HĐND tỉnh, Yên Bái đã triển khai có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện bảo đảm mức vốn giải ngân hằng tháng cao hơn mức trung bình cả nước (Yên Bái luôn trong nhóm 20 tỉnh, thành có kết quả giải ngân tốt), như: xây dựng kịch bản chi tiết giải ngân và tiến độ thực hiện từng dự án; thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân, tổ công tác tháo gỡ giải phóng mặt bằng (GPMB); thường xuyên tổ chức hội nghị, kiểm tra thực địa, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn, rào cản trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. 

Qua đó, năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm, giao bổ sung 350 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương trong nước. Kết quả giải ngân các nguồn vốn đến hết năm 2022 đạt 5.120 tỷ đồng/tổng kế hoạch vốn năm 2022 là 5.510 tỷ đồng, bằng 93%; đạt cao hơn tỷ lệ giải ngân chung cả nước và riêng đối với các nguồn vốn được giao đầu năm 2022 đạt 97%, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

P.V: Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công được bố trí như thế nào, thưa đồng chí!

Đồng chí Đoàn Hữu Phung: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ và là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời, tạo động lực cho các năm tiếp theo góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, tỉnh đã giao chi tiết cho các đơn vị, dự án bảo đảm điều kiện tổ chức triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023. 

Tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được tỉnh giao là 4.849,4 tỷ đồng, cao hơn 24% so với kế hoạch vốn giao đầu năm 2022; mức vốn giao chi tiết cho các đơn vị, dự án đạt 92,5% tổng kế hoạch (mức vốn giao chi tiết cao nhất từ năm 2021 đến nay); số vốn còn lại sẽ giao chi tiết cho các dự án sau khi đủ điều kiện và một số nhiệm vụ phát sinh khác. 

Kế hoạch vốn năm 2023 được tỉnh phân bổ theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm; trong đó, ưu tiên bố trí các dự án chuyển tiếp theo tiến độ thực hiện, phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện và thời gian bố trí vốn cho các dự án bảo đảm sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời, việc bố trí vốn được ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng thiết yếu như: giao thông; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các công trình phòng, chống thiên tai và các công trình hạ tầng đô thị...

P.V: Đồng chí có thể cho biết về công tác chuẩn bị đầu tư năm 2023!

Đồng chí Đoàn Hữu Phung: Kế hoạch vốn năm 2023 đã được bố trí theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm; do đó, số lượng các công trình năm 2023 ít hơn rất nhiều so với năm 2022; số lượng các đơn vị chủ đầu tư cũng ít hơn năm 2022, các đơn vị chủ đầu tư tập trung chủ yếu là các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu trong tổ chức triển khai thực hiện. Kế hoạch năm 2023, tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh cho các cấp trong việc quyết định đầu tư, giao chi tiết kế hoạch vốn; do đó, tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Để hoàn thành kế hoạch năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư rà soát tình hình triển khai thực hiện xây dựng kịch bản giải ngân các dự án, bảo đảm mức vốn giải ngân tối thiểu theo các quý. 

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư chủ động xây dựng tiến độ chi tiết thực hiện các dự án bảo đảm mức vốn giải ngân theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đối với các dự án trọng điểm, quan trọng dự kiến khởi công mới năm 2023 như: Trụ sở Tỉnh ủy và các ban Đảng; Trung tâm Hội nghị, Trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Trung tâm Điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu đô thị thông minh tỉnh Yên Bái; đường trục chính cụm công nghiệp Phú Thịnh, huyện Yên Bình... 

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư hoàn thành chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm triển khai thực hiện ngay trong các tháng đầu năm 2023, góp phần hoàn thành kế hoạch năm 2023 đáp ứng yêu cầu. 

P.V: Chúng ta sẽ tập trung những giải pháp nào để hoàn thành kế hoạch đầu tư và giải ngân!

Đồng chí Đoàn Hữu Phung: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; do đó, kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 đã được HĐND, UBND tỉnh giao từ sớm (ngày 09/12/2022), với tổng kế hoạch vốn giao là 4.849,4 tỷ đồng, cao hơn 24% so với kế hoạch vốn giao đầu năm 2022; dự kiến trong năm 2023 sẽ tiếp tục giao bổ sung từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi bảo đảm mục tiêu giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư; đồng thời, đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để bảo đảm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, kịp thời ban hành kịch bản giải ngân các nguồn vốn và tiến độ chi tiết để triển khai thực hiện các dự án bảo đảm yêu cầu; trong đó, phấn đấu giải ngân chung toàn tỉnh đến hết quý I/2023 đạt trên 25%; đến hết quý II đạt trên 50%; đến hết quý III đạt trên 75%; đến hết năm 2023 đạt 100% kế hoạch.

Thứ hai, rà soát các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi kịp thời đưa vào đầu tư công để phân bổ cho các dự án có khả năng hấp thụ vốn. Điều chỉnh linh hoạt kế hoạch vốn theo nguyên tắc điều chỉnh giảm vốn của các dự án hoàn thành, hết nhiệm vụ chi, dự án gặp khó khăn, vướng mắc có tiến độ triển khai thực hiện chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, dự án trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và các dự án thiếu vốn GPMB...

Thứ ba, tiếp tục vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện công tác GPMB tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án; thực hiện theo hướng làm gọn từng phần, kiểm đếm đến đâu thì thẩm định, phê duyệt, chi trả tới đó; có mặt bằng sạch tới đâu thì triển khai thi công ngay đến đó.

Thứ tư, chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư xây dựng, phê duyệt kế hoạch chi tiết triển khai và giải ngân của từng dự án, nhất là những dự án khởi công mới năm 2023; trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, người đứng đầu gắn với trách nhiệm và thời gian hoàn thành đối với từng công việc, làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các dự án. 

Tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; chủ động, quyết liệt trong công tác giải ngân, thanh toán; ưu tiên giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, các gói thầu có tiến độ thực hiện tốt và các dự án, công trình trọng điểm để bảo đảm tiến độ giải ngân chung theo kế hoạch của tỉnh. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; có biện pháp chấn chỉnh, thay thế nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu phụ đối với các nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân; lập danh sách các nhà thầu tư vấn, xây lắp... yếu kém về năng lực hoạt động xây dựng, chậm tiến độ để theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện, không tiếp tục giao thầu cho các nhà thầu chậm tiến độ.

Thứ năm, yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện; các đơn vị chủ đầu tư nâng cao vai trò và chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc không giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao; đồng thời, căn cứ kết quả giải ngân kế hoạch vốn của các đơn vị, địa phương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đánh giá, phân xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân năm 2023.

Ngoài các giải pháp nêu trên, để chủ động triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng kế hoạch đầu tư công năm 2023, tỉnh kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư công, đặc biệt trong công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh kế hoạch vốn (cho phép điều chỉnh sau ngày 15/11 hằng năm), thủ tục triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn nước ngoài ODA; tiếp tục phân cấp mạnh cho các địa phương để tạo sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc thu hút tối đa các nguồn lực khác đưa vào đầu tư. 

Riêng đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành định mức hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đất ở; nhà ở; đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi để các địa phương có cơ sở phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 cho các hộ dân bảo đảm quy định, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Quang Thiều (thực hiện)

Tags Yên Bái đầu tư công giải ngân giải phóng mặt bằng chính sách thu ngân sách

Các tin khác
Nhu cầu mua sắm hàng hóa cho những ngày Tết tăng mạnh tại các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), ngày 29/1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng do giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank.

Trong gần 20 năm qua, dòng kiều hối đổ về Việt Nam không ngừng gia tăng, tạo nguồn ngoại tệ rất quan trọng cho các ngân hàng. Đồng thời, lượng kiều hối cũng giúp giảm áp lực, cân đối nguồn vốn cho vay ngoại tệ, nhất là dịp cuối năm, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái.

Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công tác quản lý vận hành, thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và công tác kiểm tra giám sát thu tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng tại Lễ ra quân sản xuất đầu năm 2023.

Sáng 28/1, tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức Lễ ra quân sản xuất, kinh doanh năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục