Xuân xanh rừng Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/2/2023 | 7:45:57 AM

YênBái - Mùa xuân, đi giữa những cánh rừng cây lá xanh non, ngắm những rừng quế, rừng tre Bát độ, rừng keo mát mắt để cảm nhận rằng rừng thực sự đã mang đến cho người dân Trấn Yên những mùa xuân ấm no.

Nông dân xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên trồng rừng vụ xuân.
Nông dân xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên trồng rừng vụ xuân.

Hợp tác xã (HTX) 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên hiện có 10 thành viên và được giao canh tác 80 ha đất rừng trồng sản xuất. Để sản xuất hiệu quả, HTX đã đưa toàn bộ diện tích vào trồng cây quế hữu cơ. Bình quân mỗi năm HTX khai thác và trồng thay thế 3 ha; trong đó, toàn bộ cây giống được HTX tự chủ; các sản phẩm từ quế được các cơ sở chế biến của địa phương tiêu thụ. 

Từ rừng và  các sản phẩm chế biến từ quế đã bảo đảm thu nhập bình quân hàng năm của các thành viên trong HTX đạt gần 200 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. 

"Cây quế từ 5 năm tuổi trở đi là cho thu hoạch bắt đầu từ tỉa lá, tỉa thưa cây đến khi đảm bảo mật độ. Từ khi làm trang trại, đời sống của hội viên khá hẳn lên. Ngoài chi tiêu, mua sắm cho gia đình, HTX còn đầu tư đường lên rừng để tiện cho chăm sóc cây và khai thác rừng nhằm giảm chi phí”. Đó là lời khẳng định của ông Phạm Văn Tình - thành viên HTX 6/12 xã Đào Thịnh.

Trong nhiều năm qua, cơ cấu trồng rừng của huyện Trấn Yên có sự chuyển dịch tích cực, đến nay, đã hình thành được các vùng trồng rừng tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá như: vùng tre Bát độ gần 4.000 ha, trên 20.000 ha quế và hơn 17.000 ha cây nguyên liệu gỗ ở tất cả các địa phương trong huyện. 

Năm 2022, nhân dân trong toàn huyện trồng thay thế gần 2.900 ha rừng các loại, nhiều địa phương trồng rừng đạt và vượt kế hoạch giao, cơ cấu rừng căn bản được chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị canh tác… 

Bên cạnh việc trồng rừng, Trấn Yên đã thu hoạch được 31.500 tấn măng Bát độ thương phẩm; gần 10.400 tấn quế vỏ, khai thác gỗ rừng trồng trên 165.000 m3 gỗ, chiết xuất 20 tấn tinh dầu quế... Lâm sản đều được gắn với chuỗi giá trị và từ kinh tế rừng góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển; do đó, đã khuyến khích người dân gắn bó và đầu tư cho trồng rừng. 


Ông Hà Thanh Tâm - Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh chia sẻ: "Người dân Lương Thịnh không chỉ biết trồng rừng thay thế mà nhiều năm qua, bà con đã đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị từ rừng. Từ trồng rừng đã thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ của xã phát triển và Lương Thịnh hiện là địa phương có cơ sở chế biến gỗ nhiều nhất huyện Trấn Yên. Qua đây, đã giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động và tăng thu nhập cho người trồng rừng”.

Năm 2023, huyện Trấn Yên có kế hoạch trồng thay thế 2.750 ha rừng các loại, với cơ cấu rừng trồng chủ yếu là quế, tre Bát độ, nguyên liệu giấy; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%; phấn đấu hết năm 2023 tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và chứng nhận quế hữu cơ đạt trên 6.200 ha. 

Để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch đất rừng để trồng tre Bát độ; rà soát, kiểm tra chất lượng trên 20 triệu cây giống ở 511 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; làm tốt công tác chuẩn bị quỹ đất để tiến hành trồng rừng. 

Ông Phạm Văn Đạo - Chủ tịch UBND xã Hòa Cuông cho biết: "Năm 2023, Hòa Cuông đề ra kế hoạch trồng 135 ha rừng, để thực hiện được chỉ tiêu này, chúng tôi đã triển khai xuống tất cả các thôn. Đồng thời, xã phấn đấu trong quý I sẽ hoàn thành từ 75 - 85% kế hoạch trồng rừng năm 2023”. 

Ông Đỗ Văn Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên khẳng định: để thực hiện được chỉ tiêu trồng thay thế 2.750 ha rừng các loại, Hạt Kiểm lâm phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát quỹ đất, xử lý thực bì, đảm bảo đủ diện tích trồng rừng vụ xuân. Đôn đốc cán bộ kiểm lâm địa bàn kiểm tra vườn giống cây trồng lâm nghiệp đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ, đủ lượng giống và khi đưa vào trồng đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt.

Một mùa xuân mới đang về. Người dân huyện Trấn Yên lại thi đua trồng cây gây rừng, để rừng ngày một thêm xanh và phát triển bền vững. Mùa xuân, đi giữa những cánh rừng cây lá xanh non, ngắm những rừng quế, rừng tre Bát độ, rừng keo mát mắt để cảm nhận rằng rừng thực sự đã mang đến cho người dân Trấn Yên những mùa xuân ấm no.

Thanh Hùng (Trung tâm TT và VH Trấn Yên)

Tags Xuân xanh rừng Trấn Yên tre Bát độ hợp tác xã vùng quế

Các tin khác
Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm sản xuất, kinh doanh của phụ nữ tại “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022.

Năm 2022, cùng với nguồn kinh phí 270 triệu đồng được UBND tỉnh cấp và phê duyệt để thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực như phối hợp với các tổ chức, các ngành liên quan; các chương trình, dự án để lồng ghép triển khai có hiệu quả Đề án này.

Lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Nghĩa Lộ chỉ đạo giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.

Năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Nghĩa Lộ có 5.488 hồ sơ đã được cập nhật, chỉnh lý biến động. Trong đó, 2.900 hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận và 2.588 hồ sơ đăng ký biện pháp giao dịch đảm bảo. Đặc biệt, 100% hồ sơ tiếp nhận đã được Chi nhánh giải quyết, trả kết quả trước và đúng hạn, không có tình trạng tồn đọng hồ sơ chỉnh lý.

Vụ xuân này, Yên Bái phấn đấu gieo cấy gần 19.000 ha lúa, diện tích đã làm đất đạt trên 95%; lượng mạ đã gieo quy ra diện tích cấy trên 18.000 ha. Đến nay, nông dân các địa phương đã gieo cấy trên 6.000 ha, đạt trên 30% kế hoạch. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 28/2.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục