Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, hàng năm, HND xã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng các mô hình mới, chủ động đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Với những chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, nông nghiệp nông thôn Đại Lịch đã có những bước tiến quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Hội chỉ đạo tập trung củng cố, phát triển, thành lập các tổ, nhóm liên kết trong sản xuất hàng hóa với các mô hình trồng rừng, chè, bưởi, cam, quế, xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tiêu biểu như: vùng trồng chè tại các thôn Kè, Khe Mơ, Bằng Là 2; chăn nuôi đại gia súc ở thôn Lường, Bằng Là 1; trồng rừng tại thôn Lường; vùng trồng cây ăn quả, rau màu tại thôn Kè, Bằng Là 1, Khe mơ, Thanh Tú...; thành lập Chi hội nghề nghiệp với 15 thành viên và 7 tổ hợp tác.
Đặc biệt, Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” được Hội chú trọng đẩy mạnh. Hàng năm, các chi hội có từ 75% hội viên đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi và có 30% đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp.
Từ phong trào đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, những gương điển hình làm giàu tại địa phương. Nhiều hộ hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng năm thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng.
Điển hình là các mô hình chăn nuôi 13 con trâu bò của gia đình bà Đào Thị Lan - Chi hội Bằng Là 1 kết hợp làm vườn ươm cây rau giống và trồng 1,5 ha trồng cây ăn quả; hộ ông Lương Tuấn Trung - Chi hội Bằng Là 2, nuôi 15 con trâu, bò, trồng 1 ha trồng cỏ; mô hình VACR tổng hợp của hộ ông Lê Xuân Liên - Chi hội Khe Đồng với quy mô 5 con lợn nái và 40 con lợn thịt/lứa, nuôi 50 tổ ong nuôi lấy mật, trồng 1,5 ha cam, 4 ha rừng trồng quế, keo, bồ đề, 1 ha ao nuôi cá và nuôi gà thả vườn khoảng 200 con/lứa; hộ ông Hoàng Đình Hạnh - Chi hội thôn Thanh Tú chăn nuôi lợn an toàn sinh học mỗi lứa từ 50 - 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái.
Tiêu biểu trong trồng cây ăn quả phải kể đến mô hình của các hộ: Phan Đức Hóa - Chi hội Khe Mơ; hộ Trần Văn Phùng, Trần Đăng Dung, Phan Thế Trọng - Chi hội thôn Kè, hàng năm đều có thu nhập đạt từ 400 triệu đồng trở lên…
Bà Hà Thị Kim Cương - Chủ tịch HND xã Đại Lịch cho biết: HND xã Đại Lịch hiện có 940 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 7 chi hội. Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Hội luôn có những đổi mới, sáng tạo, tranh thủ các nguồn vốn, hàng năm mở các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền được 110 buổi cho 6.700 lượt hội viên nông dân; tổ chức 35 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 1.750 lượt người. Hội nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện giúp 140 lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 7,5 tỷ đồng; vay nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân 700 triệu đồng.
Hội còn đứng ra cung ứng vật tư nông nghiệp bằng cách cho hội viên tiếp cận nguồn phân bón trả chậm mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ Hội được trên 105 triệu đồng giúp hội viên phát triển kinh tế mô hình. Trong nhiệm kỳ, Hội đã giúp đỡ 9 hộ hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã xuống còn 4,7%.
Với những kết quả đã đạt được, Hội Nông dân xã Đại Lịch ngày càng khẳng định vị thế và vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, chung tay xây dựng Đại Lịch phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Vũ Đồng