Huyện Yên Bình luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), tạo mọi điều kiện cho DN, nhà đầu tư thực hiện các dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn. Nhờ đó, năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đạt trên 5.100 tỷ đồng, bằng 126,2% kế hoạch tỉnh giao; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 93 triệu USD; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 365 tỷ đồng...
Để hiểu thêm về những kết quả cũng như giải pháp mà Yên Bình triển khai thực hiện, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn với ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình về vấn đề này.
P.V: Xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc của các DN, HTX trên địa bàn đã gặp phải thời gian qua?
Ông Lã Tuấn Hưng: Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột Nga - Ukraina, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn tới giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, chi phí vận chuyển tăng cao, làm ảnh hưởng tới hoạt động SXKD của các DN, HTX và nhà đầu tư.
Tuy đã có nhiều giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn của chính quyền địa phương cho các DN, HTX nhưng tình hình chưa được cải thiện nhiều. Số lượng DN, HTX nhiều, song quy mô còn nhỏ, vốn và số lượng lao động ít, thiếu thông tin về thị trường, chưa xây dựng thương hiệu sản phẩm. Một số DN có hoạt động xuất khẩu song còn gặp nhiều khó khăn để mở rộng thị trường, thiếu cán bộ quản lý, cán bộ kế toán và lao động có tay nghề cao. Công tác an toàn lao động và phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức...
P.V: Vậy, Yên Bình đã triển khai các giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các DN, HTX trên địa bàn, thưa ông?
Ông Lã Tuấn Hưng: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN, HTX trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo của trung ương, của tỉnh. Huyện ủy và UBND huyện đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch, kịch bản để tổ chức thực hiện; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, các phòng, ban chuyên môn theo phương châm "Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” như: Chỉ thị số 10 của Huyện ủy; Kế hoạch số 33 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Kế hoạch số 42 của UBND huyện Yên Bình về thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội…
UBND huyện cũng thành lập tổ công tác giúp đỡ các DN, HTX, nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, xây dựng, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế…; hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị và phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thành lập Hội Doanh nghiệp huyện.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm các thủ tục không cần thiết, thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trên cổng thông tin trực tuyến, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, chuyển đổi số… Đặc biệt, huyện kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, HTX, nhà đầu tư. Giải cứu thành công 68.200 m3 gỗ ván bóc cho các cơ sở SXKD trên địa bàn.
Cơ sở sản xuất ván bóc của anh Lưu Văn Tuất ở thôn Tân Lập, xã Bảo Ái sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
P.V: Với các hoạt động hỗ trợ của huyện, các DN, HTX đã có những chuyển biến gì trong SXKD và đóng góp gì cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thưa ông?
Ông Lã Tuấn Hưng: Do làm tốt công tác hỗ trợ DN, năm 2022, huyện Yên Bình đã thành lập mới được 45 DN, 15 HTX, 90 tổ hợp tác, thu hút mời gọi được 14 nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, phải kể đến một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn như: Alphanam, Sungroup, Hải Phát, Flamingo, An Việt Phát, Đông Đô; Công ty TNHH Lâm nghiệp 888, Công ty Việt Pháp…
Hiện nay, toàn huyện có 494 DN, HTX và trên 3.000 hộ kinh doanh. Bởi vậy, huyện đã hoàn thành thắng lợi một số chỉ tiêu như: giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2022 đạt trên 5.100 tỷ đồng, bằng 126,2% kế hoạch; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 93 triệu USD, bằng 123,7% kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 365 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch.
Trong đó, thu từ các DN đóng trên địa bàn là 174,8 tỷ đồng, chiếm 77% tổng thu cân đối toàn huyện, bằng 118% so với cùng kỳ. Cùng với đó, những năm gần đây, các DN, HTX tại địa phương đều hưởng ứng hỗ trợ huyện cả về kinh phí và nhân lực, giúp huyện sớm hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Năm 2022, đã có 36 đơn vị DN, HTX, nhà đầu tư trên địa bàn ủng hộ nguồn lực, đóng góp Quỹ "Vì người nghèo” và Quỹ "Xây dựng NTM” với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng.
Các đơn vị, DN còn hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ xóa nhà dột nát và trao tặng quà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách mỗi dịp lễ tết. Nhờ đó, kết thúc năm 2022, huyện Yên Bình đã có 22/22 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xây dựng được 14 thôn đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu.
P.V: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện những giải pháp gì hỗ trợ DN, HTX, nhà đầu tư, thưa ông?
Ông Lã Tuấn Hưng: Huyện bám sát kết luận chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị gặp mặt DN, nhà đầu tư đầu năm 2023 để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, HTX, nhà đầu tư trên địa bàn huyện. Đồng thời, tăng cường đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, phấn đấu bàn giao mặt bằng trong năm 2023.
Tiếp tục giải phóng mặt bằng cho Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái để mở rộng quy mô, lắp đặt dây chuyền sản xuất trong năm 2023; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện, hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư đang khảo sát phát triển du lịch trên vùng hồ Thác Bà; tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý của các DN, HTX và hỗ trợ các DN, HTX tiếp cận các nguồn vốn…
Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì đối thoại trực tuyến với các DN và Chuyên mục "Hỏi - đáp” trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; tích cực chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng về các thông tin, chính sách pháp luật và hỗ trợ DN, chính sách ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của huyện, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, kêu gọi các nhà đầu tư và chủ động xây dựng các dự án thu hút đầu tư; tiếp tục phát huy vai trò của tổ công tác về tháo gỡ khó khăn cho các DN, HTX, nhà đầu tư.
Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, không để áp lực với DN. Duy trì Phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”; kịp thời khen thưởng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, địa phương có thành tích tốt trong SXKD, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, tạo động lực để huyện Yên Bình đạt chuẩn NTM trong năm 2023.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2023, huyện Yên Bình phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 5.700 tỷ đồng; thành lập mới 45 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác. Năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 12 của Huyện ủy về phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại; tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông sản chủ lực lợi thế của huyện. |
Minh Huyền - Hoài Văn (thực hiện)