Vào “biển lớn” WTO : Doanh nghiệp nghĩ gì?

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong thời kỳ hậu hội nhập WTO, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái nghĩ gì, làm gì để doanh nghiệp đứng vững và phát triển, để không thể bị chìm khi bơi ra "biển lớn" WTO?

Ông Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí và xây lắp Hồng Hà (TP Yên Bái).
Ông Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí và xây lắp Hồng Hà (TP Yên Bái).

Đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao khả năng thích nghi 

Là một đơn vị sản xuất nhỏ, chuyên kinh doanh, thiết kế các loại máy móc công cụ, phụ tùng sản xuất nông - lâm nghiệp, Công ty TNHH cơ khí và xây lắp Hồng Hà nhận thức rõ những ảnh hưởng của WTO đối với các lĩnh vực mình kinh doanh, sản xuất. Hiện nay với những ưu thế về chất lượng và giá cả, các sản phẩm của chúng tôi đã có mặt và khẳng định được thương hiệu của mình tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, Công ty đã xuất ra thị trường trên 450 các loại máy nông lâm sản, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng. Mỗi năm nộp ngân sách 30 triệu đồng là con số không lớn nhưng những sản phẩm của chúng tôi sản xuất đã và đang góp một phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Bước vào thời kỳ mới, bên cạnh việc nâng cao trình độ cán bộ công nhân viên, đầu tư trang bị các thiết bị máy móc hiện đại, tôi cho rằng các doanh nghiệp ở Yên Bái phải tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề, tham gia sản xuất các loại mặt hàng có chất lượng tốt phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích nghi và đặc biệt là phải vững vàng, kiên định trước những biến động của cơ chế thị trường, trước biển lớn WTO... Chúng tôi tin rằng bước sang năm mới với những thời cơ mới, Công ty sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế chung của tỉnh.

 

“Hoạt động du lịch ở Yên Bái cần chuyên nghiệp hơn”

  

 

Ông Trương Minh Tuấn -

Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Yên Bái.

Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, vì vậy trong những năm tới đây, chúng ta sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư thứ hai được dự báo là lớn hơn, mạnh hơn làn sóng đầu tư thứ nhất vào những năm 90. Để thu hút các nhà đầu tư đến với Yên Bái, ngoài việc đưa ra các chính sách ưu đãi thì hoạt động du lịch là một trong những lĩnh vực có tác dụng như một đòn bẩy thu hút các nhà đầu tư. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Hiện tại, Công ty cổ phần Du lịch Yên Bái đang tự hoàn thiện mình, chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh cũng như năng lực để tiếp nhận các dự án đầu tư quy mô lớn của tỉnh và các tập đoàn kinh tế lớn khác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đầu tư  kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Tới đây sẽ cổ phần hoá Khách sạn Đồng Tâm và xây mới một khách sạn khác đảm bảo luôn có trên 200 phòng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất về chỗ ăn, nghỉ cho du khách đến với Yên Bái. Công ty cũng đã tiếp tục xúc tiến việc xin giấy phép quản lý khai thác một số điểm du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, văn hoá. Từ đó xây dựng các tua du lịch gắn với bản sắc văn hoá các dân tộc Yên Bái, tạo ra thương hiệu riêng, độc đáo. Mục tiêu của doanh nghiệp trong năm 2007 sẽ đạt doanh thu trên 4 tỷ đồng, thu hút trên 1.500 lượt khách.       

 

 

Tài chính minh bạch, tương trợ hiệp lực cùng phát triển

  

Ông Nguyễn đức Hậu  - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Sơn.

Gia nhập WTO là vận hội mới và rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ở Yên Bái nói riêng. Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức và đang phải từng ngày tìm lời giải cho bài toán hội nhập. Công ty cổ phần Yên Sơn sau khi chuyển đổi đã có những chuyển biến tốt. Năm 2006 đánh dấu bước phát triển mới của doanh nghiệp. Chúng tôi đã thu mua cho nông dân trên 24.000 tấn nguyên liệu chế biến giấy, giá trị sản xuất công nghiệp trên 55 tỷ đồng, doanh thu 54 tỷ; trong đó giá trị xuất khẩu trên 1,3 triệu USD, nộp ngân sách 2 tỷ đồng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho công nhân và lao động xã hội trong vùng. Công ty mở rộng sản xuất kinh doanh với việc thành lập Trung tâm TAXI HAFACO YENSON và tham gia thị trường chứng khoán nhằm huy động có hiệu quả vốn đầu tư cho phát triển doanh nghiệp. Theo tôi, để từng bước hội nhập, tránh tụt hậu, phát triển nhanh, mạnh và bền vững, doanh nghiệp cần tập trung phát triển nguồn tri thức đủ lớn về số lượng, đủ mạnh về chất lượng để tạo ra một giá trị thặng dư không giới hạn của tri thức. Đầu tư thay đổi hợp lý hoá công nghệ thiết bị, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật để cho ra những sản phẩm mới, chất lượng cao hơn, giá thành hợp lý hơn đủ sức cạnh tranh. Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu, có chính sách tài chính minh bạch nhằm tăng cường cạnh tranh và thu hút đầu tư và biết hợp tác tương trợ hiệp lực để cùng song hành phát triển. Đây sẽ là hướng đi của Công ty cổ phần Yên Sơn trong năm 2007 và những năm tiếp theo”.

 

(Nhóm phóng viên kinh tế thực hiện)

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục