Đề án "bò nghèo" đã phát huy hiệu quả
- Cập nhật: Thứ ba, 9/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế đất đai, lao động, đẩy nhanh tốc độ xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, tạo tư liệu sản xuất cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn và góp phần vào mục tiêu phát triển đàn bò của tỉnh đến năm 2010 có tổng đàn trên 50 ngàn con, ngày 29-7-2005, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh trong năm 2005-2006.
Chăn nuôi bò ở xã Tú Lệ (Văn Chấn). (Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Tổng vốn đầu tư cho dự án 26,6 tỷ đồng hỗ trợ 4 ngàn hộ nghèo đặc biệt khó khăn của 7 huyện thị trong tỉnh mua 4 ngàn bò cái sinh sản và đầu tư chuồng trại, trồng cỏ, phối giống.
Qua hai năm thực hiện đến nay Dự án đã thu được kết quả đáng khích lệ. Hầu hết những hộ nghèo được hỗ trợ đã có bò nái để nuôi bò sinh sản.
Quy mô thực hiện Đề án trong năm 2005: hỗ trợ mua 1.500 bò, năm 2006 hỗ trợ mua 2500 con. Đối tượng thực hiện tại 7 huyện thị, trong đó ưu tiên hơn cho huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn. Mỗi hộ tham gia đề án được hỗ trợ 3 triệu đồng để mua bò ( phần còn lại dùng vốn tự có của hộ gia đình, nếu hộ nào không có vốn thì được vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ 2-4 triệu đồng) và hỗ trợ 100 nghìn đồng tiền mua giống cỏ, 50 nghìn đồng tiền phối giống.
Khi Dự án được phê duyệt đã có không ít người hoài nghi về tính hiệu quả và cho rằng không phù hợp bởi mỗi hộ nghèo đặc biệt khó khăn được hỗ trợ mua một bò cái sinh sản chỉ như "gió vào nhà trống". Những hoài nghi đó không phải là không có căn cứ, thời gian thực hiện Đề án ngắn; dịch lở mồm long móng bùng phát trên diện rộng, trình độ dân trí còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm chăn nuôi và sự hỗ trợ có đến được đúng đối tượng không? song, với sự quyết tâm của tỉnh cùng với đề án hợp lòng dân, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc. Tất cả các nội dung của Đề án được triển khai sâu rộng trong nhân dân, các thôn bản làm tốt công tác bình xét chọn người tham gia dự án thực hiện công khai, dân chủ đúng đối tượng. Những hộ có nhu cầu vay vốn được ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục nhanh gọn, thuận lợi và giải ngân trực tiếp khi các hộ nhận bò. Để người dân mua được bò tốt, chất lượng giá cả phù hợp, ban quản lý dự án các huyện tổ chức đưa các hộ đến tận nơi cung ứng lựa chọn và thoả thuận giá cả, hình thức bảo hành; thực hiện bàn giao bò theo phương thức "tay ba"gồm: ban quản lý, người chăn nuôi và ngân hàng chính sách. Ban quản lý Dự ántỉnh thường xuyên kiểm tra đôn đốc giám sát thực hiện theo Đề án.
Trong hai năm đã hỗ trợ cho 4 ngàn hộ nghèo đặc biệt khó khăn mua được 4 ngàn bò cái sinh sản, đảm bảo 100% kế hoạch. Nhìn chung số bò mua về đều đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý bình quân 5,2 triệu đồng/con, 100% số bò được mua từ ngoại tỉnh. Ngay sau khi có bò đã có 3.115 hộ làm được chuồng trại, huyện Trấn Yên có 100% số hộ làm chuồng, huyện Văn Chấn và Trạm Tấu có số hộ làm chuồng ít nhất. Về trồng cỏ, hầu hết các huyện đã tiến hành trồng được gần 100 ha cỏ voi đáp ứng nhu cầu thức ăn cho bò. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án tỉnh, Dự án bước đầu đã phát huy hiệu quả. Thời gian thực hiện ngắn song các hộ đã có nhiều cố gắng, số bò các hộ nuôi được chăm sóc tốt nên đến hết tháng 11-2006 đã có 448 bê được sinh ra đạt 11,4 % tổng đàn bò cái sinh sản mua về, trong đó năm 2005 là 425 con, năm 2006 là 33 con. Dự kiến trong năm 2007 số bê sinh ra sẽ tăng gấp đôi. Nhưng điều đáng mừng hơn là đã làm khơi dậy được ý thức vươn lên, thoát khỏi đói nghèo của các hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Đó là những tiền đề cơ bản cho các hộ thoát nghèo, tiếp cận cách làm ăn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó thì vẫn còn những vấn đề mà cần phải thực hiện tiếp là: số bò chết khá nhiều (77 con chiếm 1,9% tổng đàn mua về), trong đó Mù Cang Chải chết nhiều nhất: 17 con, Văn Yên 9 con, Văn Chấn 13 con.... Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đã thực hiện song hiệu quả chưa cao, vẫn còn nhiều hộ chưa nắm rõ kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc bò. Một số xã vẫn thiếu bò đực giống. Việc triển khai trồng cỏ còn chậm, có huyện còn chưa hỗ trợ kinh phí cho trồng cỏ. Chuồng trại làm còn tạm bợ, huyện Văn Chấn, Trạm Tấu có gần nửa số hộ chưa làm chuồng bò.
Đề án đến nay đã hoàn thành, đã và đang đóng góp quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo song việc chăn nuôi và phát triển đàn bò trong thời gian tiếp theo là cả một quá trình cần rất nhiều sự cố gắng nhất là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng tránh bệnh tật. Do vậy, các huyện thị cần chú trọng và tiếp tục quản lý, vận động các hộ tham gia thực hiện hiệu quả không chủ quan, lơ là, thoả mãn với kết quả đã đạt được.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Xã Cẩm Ân (Yên Bình) có ruộng đất ít, chủ yếu là đồi rừng và có trên 600 hộ, 2.800 khẩu. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung xoá đói giảm nghèo cuộc sống của người dân có những đổi thay đáng kể. Lúa ở Cẩm Ân đã cho năng suất cao hơn nhờ đưa các giống lúa mới vào gieo cấy trên toàn bộ diện tích 112 ha.
YBĐT - Xác định một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo của người dân là thất nghiệp và thiếu việc làm, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều biện pháp và dự án nhằm hỗ trợ việc làm cho người dân.
YBĐT - Gần 170 tỷ đồng là số tiền năm 2006 các HTX đã đạt được từ việc sản xuất kinh doanh, tăng 25% so với năm 2005.
YBĐT - Tuy đã vào cuối vụ chè nhưng đi trên các bản, làng của Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An, Suối Giàng... luôn bắt gặp những vẻ mặt rạng ngời phấn khởi của bà con nông dân sau một vụ chè bội thu. Bỏ qua khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nông dân Văn Chấn vẫn làm nên một vụ chè thành công trên cả hai lĩnh vực từ năng suất đến sản lượng.