Qua 5 năm thực hiện dự án phát triển chè
- Cập nhật: Thứ hai, 22/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thực hiện Hiệp định tín dụng Dự án " Phát triển chè và cây ăn quả", giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và mục tiêu của dự án là tăng thu nhập cho nông dân và tăng giá trị hàng nông sản thông qua việc phát triển sản xuất chè và cây ăn quả, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua trồng chè, cây ăn quả, tỉnh Yên Bái là một trong 6 tỉnh được thực hiện Dự án chè trong dự án giai đoạn 2002-2006 với tổng số vốn 1.483.580 USD cho hai hợp phần là: đầu tư trồng mới, trồng phục hồi và thâm canh; nguồn vốn tín dụng cho vay.
Vùng nguyên liệu chè Văn Chấn (Yên Bái).
|
Trong quá trình thực hiện Dự án còn gặp không ít khó khăn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thị trường tiêu thụ chè không thuận lợi, giá chè nguyên liệu búp thấp...người dân nhiều lúc không mặn mà với cây chè. Song, Ban quản lý dự án đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn thực hiện Dự án khá hiệu quả. Trong năm 2006 toàn tỉnh đã trồng mới 320 ha chè, trồng phục hồi thay thế chè già cỗi bằng giống chè tiến bộ 1.337 ha; cho vay đầu tư cơ sở chế biến 14 tiểu dự án với tổng công suất 45 tấn búp tươi/ngày; xây dựng 292 vườn ươm với tổng lượng gieo ươm trên 48 triệu bầu chè giống các loại. Đã kiểm tra 281 lượt vườn ươm với 36,9 triệu bầu chè giống.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án còn có nhiều hoạt động trợ giúp đào tạo 280 lớp cho 15.288 lượt người tham gia và tổ chức tham quan học tập trong nước, nước ngoài về quá trình trồng, chăm sóc chế biến chè; hoàn chỉnh rà soát quy hoạch phát triển chè trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2002-2006, lập bản đồ theo dõi đất và diễn biến chè ở 75 xã. Ban quản lý dự án đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thị, thành phố tiến hành tổ chức hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm giống chè phục vụ cho trồng mới, trồng thay thế chè hàng năm cho các chủ vườn ươm; xây dựng 3 mô hình trồng chè đảm bảo chất lượng tại huyện Văn Yên, thành phố Yên Bái và ba mô hình trồng chăm sóc, chế biến chè theo quy trình kỹ thuật chè an toàn; thường xuyên mở các lớp đào tạo hoạt động chất lượng chè cho hàng ngàn hộ nông dân. Hoạt động thông tin thị trường thường xuyên được cập nhật, cấp phát tờ rơi. Nguồn vốn tín dụng cho vay đúng đối tượng và nhu cầu của người vay chủ yếu là các hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty cổ phần đang tiến hành hoạt động đầu tư vào phát triển chè. Tổng số vốn đã giải ngân vào Dự án đạt 34,942 tỷ đồng với 3.197 lượt hộ vay trong đó vốn từ dự án ADB 22,928 tỷ đồng, vốn đối ứng của Ngân hàng nông nghiệp 3,274 tỷ đồng, vốn tự có của người trồng chè 8,740 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn này tập trung vào trồng mới, trồng thay thế, cải tạo nương chè, bảo quản chế biến chè. Quá trình thực hiện chưa phải là dài nhất là đối với cây công nghiệp dài ngày như cây chè, tuy nhiên Dự án đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật và đông đảo bà con nông dân làm chè nhận thức rõ hơn trong trồng, đầu tư chăm sóc thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè góp phần đưa năng suất chè toàn tỉnh lên 59 tạ/ha, sản lượng chè đạt trên 65 ngàn tấn. Quan trọng hơn là người nông dân đã nắm bắt cơ bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc nương chè tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng cho chế biến. Nhiều diện tích chè trồng mới, trồng thay thế, trồng cải tạo bằng giống chè nhập nội nay đã cho thu hoạch. Các cơ sở chế biến đã sản xuất ra chè đạt chất lượng tạo được chỗ đứng trên thị trường. Cuộc sống người làm chè đã ổn định hơn, người làm chè đã thực sự sống được bằng nghề chè.
Để tiếp tục đưa cây chè thực sự trở thành cây công nghiệp mũi nhọn, tỉnh đã có Đề án phát triển chè năm 2006-2010 với tổng diện tích chè ổn định 13 ngàn ha. Tổng sản lượng búp tươi chất lượng tốt đạt trên 100 nghìn tấn, sản phẩm chế biến các loại đạt 22-23 ngàn tấn. Do vậy, tiếp tục đầu tư vào trồng thay thế diện tích chè già cỗi, tập trung đầu tư vào diện tích chè kinh doanh và đầu tư xây dựng mới nhà máy chế biến chè, nâng cao, đổi mới công nghệ chế biến chè hiện có; tăng cường các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nương chè, chất lượng chế biếnlà hướng đi tiếp theo của đề án. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục cho Yên Bái được tham gia Dự án trong giai đoạn II để tiếp tục quản lý chất lượng vườn ươm; nâng cao chất lượng chế biến, xây dựng thương hiệu; mở trung tâm giới thiệu và sàn giao dịch chè, Tất cả vì mục tiêu xây dựng vùng chè Yên Bái ngày một phát triển, cuộc sống người làm chè ngày càng ổn định.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Năm 2006, nền kinh tế địa phương tiếp tục tăng trưởng cao, thị trường hàng hoá, dịch vụ giao lưu thương mại ngày càng sôi động. Tuy nhiên, thị trường cũng phát sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.
YBĐT - Với chức năng quản lý, điều hành nguồn ngân quỹ Quốc gia, huy động và cấp phát vốn, năm 2006 cán bộ ngành Kho bạc Yên Bái được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh và Kho bạc nhà nước Việt Nam, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên quê hương Yên Bái.
YBĐT - Vào những ngày cuối năm, chúng tôi lại có chuyến lên công tác tại Mù Cang Chải; đến La Pán Tẩn - một trong những xã mà những năm trước đây đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện nay đang có những bước bứt phá rất đáng khích lệ, đặc biệt cây thảo quả đã trở thành cứu cánh cho người dân.
YBĐT - Năm 2006, huyện Văn Chấn trồng mới và trồng cải tạo được hơn 227 ha chè, đạt 108% kế hoạch. Trong đó, chương trình cải tạo vùng chè tại 3 thị trấn và các xã Đại Lịch, Thượng Bằng La và Nghĩa Tâm được 107 ha. Trồng cải tạo ngoài chương trình, dự án của tỉnh bằng giống nhập nội và LDP được 70 ha và trồng mới chè Shan của Lâm trường Văn Chấn đạt 50 ha.