Câu "chuyện lạ” được bắt đầu khi Nhà nước triển khai Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường Nghĩa Tâm nối với xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Cách đây 14 năm, Dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng đến năm 2011 phải dừng do thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Trong các cuộc tiếp xúc của đoàn đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh với cử tri các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, cử tri đã nhiều lần kiến nghị với Đoàn ĐBQH, lãnh đạo tỉnh.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã đi khảo sát tuyến, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con và chỉ đạo UBND huyện Văn Chấn khởi động lại Dự án. Tháng 7/2022, Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, giao UBND huyện Văn Chấn làm chủ đầu tư với tổng số vốn 79 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến 12 km, mở rộng mặt đường từ 5 m lên 6,5 m theo tiêu chuẩn cấp 5 miền núi. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở ra cơ hội phát triển cho địa phương.
Dự án được khởi công vào tháng 1/2023, người dân phấn khởi nhưng chính quyền địa phương lại trăn trở vì Dự án không có kinh phí cho công tác GPMB, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng, phải phá bỏ tường rào xây kiên cố, thu dọn hoa màu, cây cối, đất rừng sản xuất để bàn giao. "GPMB vốn là công việc khó, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề phức tạp, khó lường” - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm Hoàng Ngọc Út bày tỏ.
Trước đây, khi các dự án triển khai trên địa bàn xã đều có một phần kinh phí cho công tác GPMB, còn Dự án này thì không, liệu người dân có tự nguyện hiến đất để làm đường? Bài toán rồi cũng có lời giải.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động có ý nghĩa quan trọng, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, 26 thành viên là cán bộ công chức xã và 14 đồng chí bí thư chi bộ; thành lập tổ vận động GPMB gồm 74 thành viên, trong đó nòng cốt là các bí thư chi bộ, trưởng thôn và trưởng các chi, hội đoàn thể.
Các thành viên thường xuyên có mặt tại cơ sở, đến từng nhà vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, thống kê chi tiết từng nhà bị ảnh hưởng, số diện tích đất hiến, số mét tường rào bị phá bỏ…
Để người dân tin tưởng và làm theo, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong hiến đất, phá bỏ cây cối, hoa màu để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Xã cũng chỉ đạo các thôn huy động lực lượng giúp đỡ các hộ dân thu dọn vật kiến trúc, cây cối để bàn giao mặt bằng.
Đến nay, 701 hộ của 9 thôn trong xã tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư với mức giá "0 đồng”.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Ngọc Út cho biết: "Sự tiên phong, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên đã tạo hiệu ứng trong phong trào tự nguyện hiến đất làm đường ở Nghĩa Tâm. Tiêu biểu có hộ gia đình ông Đinh Hữu Tình, thôn Tiên Đồng tự nguyện phá bỏ tường rào, cắt cổng sắt, thu dọn hoa màu… với trị giá trên 50 triệu đồng; gia đình ông Đỗ Văn Tuyến, Nguyễn Văn Nghị, Đào Công Minh ở thôn Phào tự nguyện chặt bỏ hơn 1.000 m2 quế 5 – 6 tuổi, trị giá cả đất và cây khoảng 50 triệu đồng để bàn giao đất cho chủ đầu tư. Đây là thành công lớn trong công tác dân vận của chính quyền, sự đồng thuận của ý Đảng, lòng dân”.
Ông Vũ Ngọc Minh – Giám đốc Công ty TNHH Nhật Minh Yên Bái cho biết: "Ngay sau khi khởi công Dự án, chủ đầu tư bàn giao mặt bằng đến đâu, chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thi công đến đấy. Thời điểm hiện tại, các nhà thầu cơ bản đảm bảo tiến độ theo cam kết”.
Với sự đồng thuận của nhân dân, mặt bằng được bàn giao sớm, nhà thầu tập trung đầy đủ nhân lực, phương tiện, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công nền đường và công trình thoát nước xong cơ bản trước 30/7, đồng thời thi công láng nhựa đoạn 1 km cuối tuyến, phấn đấu hoàn thành công trình trước ngày 22/12 năm nay, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Mạnh Cường