HTX mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, liên kết để tạo ra sản xuất tập trung (vùng nguyên liệu tập trung) để đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa, lượng hóa sản phẩm, đáp ứng hàng hóa lớn cho thị trường.
Thực tế cho thấy, những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt vào việc cung ứng chuỗi dịch vụ, sản phẩm đầu vào và tiêu thụ nông sản đầu ra, góp phần giúp các hộ nông dân và thành viên HTX yên tâm sản xuất. HTX phát triển sẽ tạo được vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô, sản lượng đủ lớn đáp ứng yêu cầu liên doanh, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên và các hộ dân tham gia liên kết. Bên cạnh đó, các HTX cũng tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thích hợp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội…
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Việc hình thành các HTX, tổ hợp tác (THT) sẽ giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của người dân địa phương, đáp ứng yêu cầu về sản lượng và chất lượng của các công ty, doanh nghiệp. Mô hình HTX đã tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô lớn, chất lượng đồng đều và đảm bảo sản lượng theo kế hoạch của nhà phân phối. Bên cạnh đó, việc hình thành các HTX, THT đã góp phần đáp ứng các nhu cầu kinh tế - xã hội của các thành viên, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, nâng cao vị thế kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập, xóa đói giảm nghèo, có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng…”.
Đến nay, toàn tỉnh có 660 HTX (trong đó: lĩnh vực nông nghiệp 384 HTX; thương mại dịch vụ 128 HTX; công nghiệp 96 HTX; xây dựng 18 HTX; 17 quỹ tín dụng nhân dân và 9 HTX giao thông vận tải...). Doanh thu bình quân đạt 2,1 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân 450 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của người lao động đạt 63,6 triệu đồng/người/năm. Các HTX thu hút trên 32.193 thành viên, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt trên 61% (320 HTX).
Qua đó cho thấy, HTX đã có bước chuyển mình về cả lượng và chất, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. HTX, THT đã biết khai thác khá tốt thế mạnh của địa phương vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm đặc trưng, có chất lượng phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Yên Bái có 109 chủ thể tham gia thì có đến 75 HTX, 1 THT và trên 80% sản phẩm OCOP là của các HTX.
HTX Quế Văn Yên là một minh chứng rõ nét, tuy mới được thành lập năm 2018 nhưng với sự năng động, sáng tạo HTX đã tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng từ cây quế được thị trường đón nhận. HTX tham gia tích cực vào chương trình OCOP, đến nay, có 6 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao (bột quế Văn Yên, tinh dầu quế Văn Yên, lọ tăm quế, quế thanh, quế thuốc lá, tinh dầu sả chanh).
Một số sản phẩm của HTX đã được niêm yết và giao dịch trên 2 sàn thương mại điện tử: Voso.vn và Postmart.vn. HTX tạo việc làm cho 7 thành viên và 30 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 7,5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, còn rất nhiều HTX tiêu biểu như: HTX Hưng Thành, HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca (Trấn Yên); HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (Văn Chấn); HTX Cường Chầm, HTX Thanh Yên (Yên Bình); HTX Thắng Lợi (Văn Yên)…
Để tiếp tục phát huy hiệu quả HTX, tham gia ngày một nhiều vào việc cung ứng chuỗi dịch vụ, sản phẩm đầu vào và tiêu thụ nông sản đầu ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước tiên, cần tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ, dẫn dắt và định hướng cho các HTX tiếp cận và thụ hưởng chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý và điều hành cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ và thành viên các HTX, đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.
Đồng thời, cần thay đổi tập quán, thói quen sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ, để mạnh dạn góp vốn, góp sức, góp đất... tham gia vào HTX; nhằm thay đổi về chất lượng, hiệu quả hoạt động, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Hỗ trợ HTX đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác.
Trong thực hiện chuyển đổi số, hiện nay, một số HTX và doanh nghiệp trong tỉnh số hóa sản phẩm và đưa các sản phẩm thế mạnh, chủ lực, sản phẩm OCOP của HTX, doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử, hãng bán lẻ Lazada, Tiki, shopee...Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi tổ chức và quản trị và điều hành hoạt động của HTX và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng lao động, năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; giải quyết tốt mối quan hệ giữa HTX với thị trường; kiểm soát chất lượng đầu ra…
Thanh Phúc