Yên Bái xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh - Bài 1: Nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ tạo đà phát triển bền vững
Cập nhật: Thứ tư, 12/4/2023 | 9:11:07 AM
YênBái - Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Tỉnh uỷ Yên Bái về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 được kỳ vọng sẽ giải quyết những tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM theo hướng cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Vài năm trước, cánh đồng thôn Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải thường bỏ không trong vụ xuân vì thiếu nước nay đã phủ màu xanh mướt. Với 4 ha ruộng thuê lại của người dân địa phương, Hợp tác xã (HTX) Rau và nấm dược liệu Nậm Khắt đã đưa rau cải "mầm đá” vào trồng, trừ các chi phí đầu tư, còn lãi 350 - 400 triệu đồng/ha/vụ, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ngoài tiền thuê đất, mỗi ngày làm việc cho HTX, chị Hảng Thị Sú được trả công từ 130 - 150 nghìn đồng. Nhiều người dân như chị Sú không phải ly nông hay ly hương mà vẫn có thu nhập trên mảnh đất của gia đình.
Từ sự năng động của người nông dân, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái qua việc ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng NTM, kinh tế nông nghiệp và nông thôn Yên Bái đã có nhiều khởi sắc.
Nông dân thị xã Nghĩa Lô kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Đến nay, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân tăng 4,7%/năm, (cao hơn so với mức bình quân 3%/năm của cả nước). Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp và thuỷ sản, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Đã bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt kết quả nổi bật, toàn diện, trở thành điểm sáng của các tỉnh Tây Bắc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn có mặt hạn chế. Tổ chức sản xuất thiếu bền vững, dễ bị tác động của thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông sản còn thấp; tổn thất sau thu hoạch còn cao; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp còn thấp; xây dựng nông thôn mới tuy vượt mục tiêu nhưng một số chỉ tiêu chưa bền vững, nhất là tiêu chí môi trường...
Người dân bản Lụ 1, xã Phúc sơn, thị xã Nghĩa Lộ tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Tỉnh uỷ Yên Bái được kỳ vọng sẽ phát huy trách nhiệm cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân, lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua trong đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hoá, giảm nghèo bền vững ở vùng cao và nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng NTM ở vùng thấp.
Trên đà tăng trưởng bền vững của năm 2022, nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu của Yên Bái tiếp tục đạt mức tăng trưởng dương ngay từ quý I. Điều này tiếp tục mở ra triển vọng lạc quan cho năm 2023 với những mục tiêu cao hơn…
Xác định xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP là chương trình kinh tế quan trọng, những năm qua, huyện Văn Yên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp xây dựng các sản phẩm chủ lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhất là việc bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn.