Làm sạch môi trường, nguồn phân bón tốt

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/4/2023 | 1:47:15 PM

YênBái - Nguồn phân ủ bằng chế phẩm được Trichoderma nhiều người tìm mua, đặt mua do sử dụng trực tiếp luôn, giúp cây khỏe hơn, đất tơi xốp hơn, nhất là phân ủ được bổ sung nấm đối kháng, vi khuẩn đối kháng để cây trồng, đất trồng ức chế những vi sinh vật có hại.

Ông Vũ Xuân Đao ủ phân lợn bằng chế phẩm Trichoderma đã giúp giảm ô nhiễm môi trường, có nguồn phân bón tốt.
Ông Vũ Xuân Đao ủ phân lợn bằng chế phẩm Trichoderma đã giúp giảm ô nhiễm môi trường, có nguồn phân bón tốt.

Hộ ông Vũ Xuân Đao, thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã chăn nuôi lợn từ rất lâu. Chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông khá rộng rãi, thoáng đãng với diện tích trên 300 m2 và cách xa nhà ở khoảng 100 m.

Thời điểm năm 2021, ông phát triển mạnh đàn lợn gồm 20 con lợn nái, 180 con lợn thịt. Lúc này, ngoài các bể chứa bi-ô-ga thì lượng phân lợn thải ra hàng ngày rất lớn. Nhu cầu khách mua phân lợn tươi làm phân bón cũng giúp ông tiêu thụ đều đặn, ổn định và thường xuyên. 

Như ông Đao chia sẻ: "Bán phân lợn tươi thì tôi đóng vào bao tải rồi khách mua chở đi bằng ô tô. Tuy nhiên, phân ướt nên mùi rất nặng, khó chịu. Mà thực tế dù có bán được hết thì bản thân mình, gia đình mình là những người trước hết phải chịu đựng ngày qua ngày, lâu dần sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Tình cờ một lần, ông nghe được mọi người nói chuyện có loại chế phẩm có thể giúp giảm được mùi của phân chuồng. Sau đó, ông đã nhờ cán bộ khuyến nông xã tìm mua hộ. Nhận thấy đây là một hướng đi có thể ứng dụng hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái đã hỗ trợ ông Đao 2 kg chế phẩm Trichoderma để ủ phân. 

Tháng 6 năm 2022, ông Đao bắt đầu thực hiện việc ủ phân lợn bằng chế phẩm Trichoderma. Cách ủ phân hết sức đơn giản, hố ủ được ông tận dụng ô chuồng nuôi lợn cũ để trống. Trước tiên, ở dưới nền hố ủ, ông rải 1 lớp trấu hoặc mùn cưa dày 20 cm, tiếp đó rải 1 lớp phân lợn tươi dày 30 cm rồi rắc lên 1 lớp chế phẩm theo liều lượng 1 kg chế phẩm sử dụng ủ 1 tấn phân tươi cho đến khi đầy hố thì sẽ phủ bạt che kín. 

Ông Đao cho biết: "Từ khi thực hiện lớp lót nền và tôi cứ đổ dần đến lúc đầy hố sẽ cần khoảng 2 tháng để phân hoai mục. Kết quả lần đầu tiên ủ phân đó đem lại, tôi thấy phân tơi xốp, mừng nhất là không hề có mùi gì cả, có thể dùng tay bốc bình thường”. 

Sau gần 1 năm ủ phân bằng chế phẩm này, môi trường khu vực chuồng trại chăn nuôi của nhà ông đã trở nên trong lành hơn, bớt ô nhiễm hơn rất nhiều, không như trước đây cứ đến gần thì mùi chất thải đã rất khó chịu, nhất là những ngày thời tiết không thuận lợi. Là người trực tiếp làm việc này, ông còn đỡ nhiều công sức hơn lại có không gian sống tốt, chất lượng môi trường sống tốt hơn. Ông cũng dùng nguồn phân ủ để bón cho cây trồng của gia đình.  

Lượng phân bón cho cây trồng của nhà ông Đao không cần nhiều. Vì vậy, biết ông có loại phân ủ tốt là nhiều người đã dặn đặt mua từ trước đó rất lâu. Người trong thôn ông mua phân ủ để trồng rau, trồng mướp… Người nơi xa đến mua phân về trồng cây ăn quả. Khu vực ủ phân ngay trong chuồng trại chăn nuôi lợn rộng rãi, ô tô tải có thể vào đến tận nơi để bốc xếp lên xe. 

Theo ông Đao, nhiều người đặt mua phân ủ nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn, không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ nhu cầu. Nguồn phân ủ bằng chế phẩm được nhiều người tìm mua, đặt mua do sử dụng trực tiếp luôn, giúp cây khỏe hơn, đất tơi xốp hơn, nhất là phân ủ được bổ sung nấm đối kháng, vi khuẩn đối kháng để cây trồng, đất trồng ức chế những vi sinh vật có hại.

Bên cạnh đó, giá thành của phân ủ bằng chế phẩm rất rẻ. Nếu như phân vi sinh có giá từ 4.000 - 6.000 đồng/kg thì phân ủ có giá 2.000 đồng/kg. Hiện nay, do giá lợn hơi giảm nên chuồng nhà ông duy trì khoảng 80 con lợn, nguồn phân ủ vì thế cũng giảm so với trước. 

Ông Đao cho rằng: "Phân ủ bằng chế phẩm cho nguồn thu dù không lớn nhưng giúp giảm ô nhiễm môi trường. Tôi sẽ duy trì việc này để có môi trường sống tốt cho gia đình, cộng đồng”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Suối Giàng là nơi hội tụ của quần thể với hơn 4 vạn cây chè Shan tuyết, được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Có diện tích chè Shan tuyết lớn hàng đầu của cả nước, Yên Bái được các nhà khoa học đánh giá là một trong những vùng đất thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm, với hương vị chè đặc trưng không nơi nào có được.

Yên Bái đang mở rộng vùng trồng dược liệu.

Ngoài các sản phẩm chế biến từ dược liệu đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thì những sản phẩm mới của Yên Bái đều quan tâm đến các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái.

Cấp mã số vùng trồng (MSVT) cũng như thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Để hiểu rõ hơn việc cấp MSVT cho cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

Các điểm bán hàng OCOP cần đạt các tiêu chí của Bộ Công Thương. Ảnh minh họa: Internet

Ngày 18-4, Bộ Công Thương đã ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023-2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục