Năm 2002 anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Đồng Đình mạnh dạn chuyển đổi 1.500 m vuông đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu và đầu tư xây dựng nhà nuôi tằm rộng 60 m vuông. Sau này, áp dụng nuôi tằm 2 giai đoạn, qua học hỏi và dần dần rút kinh nghiệm cùng sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là chuyển nuôi tằm từ trên nong xuống nuôi trên nền nhà thì việc nuôi tằm đỡ vất vả, năng suất chất lượng kén tăng.
Đến nay, anh Thanh chuyển đổi toàn bộ diện tích 6.500 m vuông đất nông nghiệp sang trồng dâu, đầu tư xây dựng 4 nhà tằm diện tích 230 m vuông và sản lượng kén trung bình hàng năm từ 1,2 - 1,3 tấn, thu về từ 120 - 170 triệu đồng.
Gia đình anh Bùi Minh Tuấn, thôn Đồng Trạng cũng chuyển sang chuyên canh trồng dâu nuôi tằm được hơn 5 năm nay. Nhờ nghề dâu tằm mà kinh tế của gia đình anh Tuấn từ ổn định đã vươn lên khá giả. Anh Tuấn cho biết: "Trước đây, tôi chỉ trồng mấy sào dâu và do không chuyên canh nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, tôi mạnh dạn chuyển toàn bộ 1,2 mẫu ruộng trồng lúa kém hiệu quả cùng đất soi bãi sang trồng dâu nuôi tằm".
"Để có thêm kiến thức sản xuất, tôi tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn của huyện, xã, tham gia vào tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm tại thôn để được tư vấn, hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế hơn hẳn và nếu so với canh tác các loại cây trồng khác thì trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận gấp 3 - 4 lần. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng 100 triệu đồng”.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên giai đoạn 2020 - 2025, UBND xã Báo Đáp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm.
Cùng đó, xã cũng phối hợp với các đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm kén tằm; chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ phân bón trả chậm; hỗ trợ kinh phí mua cây giống, né tằm, xây dựng, sửa chữa nhà tằm...
Hiện tại, xã có hơn 300 hộ trồng dâu nuôi tằm, tập trung nhiều ở các thôn: Đồng Sâm, Đồng Danh, Đồng Ghềnh, Đồng Bưởi. Năm 2022, người dân trong xã nuôi trên 300 vòng tằm, sản lượng kén đạt gần 300 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 25 tỷ đồng.
Năm 2023, xã phấn đấu trồng mới 20 ha dâu, để nâng tổng diện tích dâu tằm toàn xã lên 186 ha. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Báo Đáp đã tạo nhiều việc làm và thu nhập của nông dân theo đó cũng tăng lên, hộ nghèo giảm mạnh...
Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã cho biết: để mở rộng và phát triển hơn nữa nghề trồng dâu nuôi tằm, thời gian qua, xã đã tích cực chỉ đạo, phân công cán bộ về địa bàn các thôn hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; vận động bà con trồng dâu theo phương pháp hữu cơ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tăng hiệu quả trồng dâu.
Cùng đó, xã cũng phối hợp với các cơ quan, phòng, ban liên quan của huyện tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm để bà con tham gia học tập, trực tiếp áp dụng phương pháp được học để nâng cao hiệu quả trồng dâu nuôi tằm.
Đồng thời, xác định cây dâu tằm là cây trồng chủ lực của địa phương, xã đã hình thành làng nghề trồng dâu nuôi tằm tại thôn Đình Xây, thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp và trên 30 tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm; hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng hiệu quả của nghề trồng dâu nuôi tằm.
Để người dân yên tâm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, xã đã liên kết với các đơn vị thu mua kén tằm, các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn để cung cấp giống tằm, thu mua sản phẩm kén tằm với giá cả ổn định, cung ứng cây giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi tằm cho nhân dân.
Tiếp tục rà soát quỹ đất: đất soi bãi, vườn tạp và đất đồi thấp, diện tích lúa kém hiệu quả; diện tích dâu già cỗi cần được cải tạo thay thế để trồng mới; thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nuôi tằm và tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, liên kết trong sản xuất; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển trồng dâu nuôi tằm theo chương trình của huyện để người dân yên tâm phát triển nghề ngày một hiệu quả hơn.
Thanh Tân