Châu Á - Thái Bình Dương thiếu nguồn lực để chuyển đổi xanh
Nghiên cứu mới nhất của PwC về hạ tầng cho thấy, các quốc gia có thu nhập bình quân từ trung bình đến thấp của Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, cần đầu tư tới 60% cơ sở hạ tầng mới để phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, các quốc gia này đang thiếu năng lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng xanh, cho thấy sự cần thiết trong việc tiếp cận những nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và những quỹ đầu tư quốc tế.
Ông Adrian Box, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Cơ sở Hạ tầng Châu Á - Thái Bình Dương, PwC Australia nhận định: "Chúng tôi cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư để cùng tìm ra các giải pháp hiệu quả giải quyết những thách thức này. Qua đó, chúng ta có thể tạo ra các giải pháp chính sách đổi mới và đảm bảo thành công cho dự án cơ sở hạ tầng bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng và hỗ trợ phát triển kinh tế”.
Ông Adrian Box, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Cơ sở Hạ tầng Châu Á - Thái Bình Dương, PwC Australia.
Thúc đẩy tốc độ chuyển đổi hạ tầng bền vững tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng và đang chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này. Đất nước đang trong thời kì chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế thu nhập cao và phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đó.
Ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư - nhận định, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021 - 2030 với tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh nhu cầu về một mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, đẩy nhanh việc hiện đại hóa và đồng bộ cơ sở hạ tầng. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và sáng kiến nhằm phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, ví dụ như đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, khuyến khích các công trình xanh và phương tiện giao thông sử dụng điện.
Hội nghị cũng thảo luận về thách thức mà các nhà đầu tư và chính phủ phải đối mặt trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, bao gồm thiếu tầm nhìn rõ ràng về nhu cầu cơ sở hạ tầng, phối hợp nhiều bên trong suốt quá trình dự án chưa chặt chẽ, năng lực thực hiện đầu tư công còn hạn chế, hệ thống pháp lí và cơ chế tổ chức phức tạp, cũng như thách thức về nguồn vốn và thời gian có hạn.
Để đối phó với những thách thức này, cần phải có kế hoạch dài hạn, lộ trình dự án rõ ràng, tích hợp các khung chiến lược và quy định địa phương với chính sách quốc gia để thu hút các nhà đầu tư tư nhân và các đối tác phát triển. Các chính quyền địa phương có thể chưa đủ năng lực, kinh nghiệm và nguồn tài chính cho việc chuẩn bị dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, vì thế cần có sự hỗ trợ từ các chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Việc phân bổ rủi ro dự án giữa các khu vực công-tư cũng rất quan trọng, ví dụ như khi chính phủ chia sẻ một phần rủi ro từ nhu cầu chi trả chi phí cầu đường của người dân để xây dựng công trình giao thông tại các khu vực chưa phát triển hạ tầng, các nhà đầu tư tư nhân sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện dự án.
"Việc phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở Việt Nam là một thách thức, nhưng đồng thời mở ra những cơ hội đáng kể cho các bên liên quan và các nhà đầu tư. Chúng tôi tin rằng, bằng cách ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng xanh, bền vững và hòa nhập, chúng ta có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế thu nhập cao, hạn chế khí thải, đóng góp vào việc tạo ra một tương lai bền vững cho người dân Việt Nam” - ông Edward Clayton, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam - cho biết.
(Theo LĐO)