Để Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2023 cũng như cả giai đoạn 2022 - 2025 được thực hiện có hiệu quả, Mù Cang Chải đã chủ trương xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh tại chỗ cũng như tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các tổ chức, cá nhân người sản xuất khuyến khích đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo lồng ghép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025 gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM); tăng cường giới thiệu, quảng bá về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá của địa phương.
Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chuyên môn chủ động rà soát, hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2023 đối với các sản phẩm có tiềm năng, điển hình là 3 sản phẩm: Nấm hương Nậm Khắt, Quả su su non Lao Chải và Gạo Séng cù Hồ Bốn, phấn đấu đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các điều kiện để đánh giá lại đối với 2 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP năm 2019 là Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải và Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Khim Nọi (homestay) và nâng cấp sản phẩm Chè Shan tuyết Púng Luông được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019, dự kiến nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao...
Ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: "Cùng với tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2023, sản phẩm đánh giá lại, sản phẩm phân hạng, nâng cấp, huyện đặc biệt chú trọng tới các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm quản lý, điều hành thực hiện Chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ xã, huyện, nhất là cán bộ trực tiếp phụ trách Chương trình OCOP; hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh cho sản phẩm OCOP; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá tuân thủ quy định, tiêu chuẩn của Nhà nước về quy trình sản xuất, sử dụng bao bì, nhãn hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường”.
Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” không chỉ tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, có chất lượng, mang lại thương hiệu cho địa phương mà còn tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân trong huyện.
Riêng năm 2022, Mù Cang Chải đã có 9 sản phẩm đăng ký để Hội đồng đánh giá cấp huyện tiến hành họp đánh giá, chấm điểm sản phẩm và nộp hồ sơ về Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đánh giá và phân hạng sản phẩm.
Kết quả, Mù Cang Chải được UBND tỉnh phê duyệt 3 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: trà Shan tuyết trà của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông; Trà sơn tra Tâm Phúc An 159 Mù Cang Chải và Mật ong hoa rừng Nậm Khắt 159 Mù Cang Chải của Hợp tác xã Hội nông dân Mù Cang Chải.
Ông Nguyễn Văn Toản - Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ tổng hợp Mù Cang Chải chia sẻ: Mặc dù đăng ký sản xuất nhiều sản phẩm nhưng những năm qua, Hợp tác xã chủ yếu tập trung phát triển sản phẩm mật ong hoa tự nhiên là chính. Bởi, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà chúng tôi mong muốn đem đến cho người tiêu dùng một sản phẩm thật sự chất lượng, mang đặc trưng của núi rừng Mù Cang Chải. Đến nay, sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ tổng hợp Mù Cang Chải không chỉ được tỉnh chứng nhận OCOP 3 sao mà còn được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến tin dùng”.
Năm 2023, cùng với phát triển 3 sản phẩm đặc sản là nấm hương Nậm Khắt, quả su su non Lao Chải và Gạo Séng cù Hồ Bốn đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh mới; đánh giá lại 2 sản phẩm và nâng cấp sản phẩm chè Shan tuyết Púng Luông từ 3 sao lên 4 sao, huyện tiếp tục phát huy hiệu quả các sản phẩm chủ lực như: sơn tra đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Sơn tra Mù Cang Chải; mật ong đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; gà đen Mông đã được xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận; thảo quả; gạo nếp Tan, Séng cù; lợn đen bản địa...
Đây là tiền đề quan trọng để Mù Cang Chải từng bước đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vươn tới thị trường khó tính và được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn.
Châu Á