Sau 3 năm làm việc tại Viện Quân y 43, Quân đoàn 2, CCB Ninh Thị Mai lập gia đình và theo chồng về xã Y Can, huyện Trấn Yên lập nghiệp. Từng rèn luyện trong môi trường quân ngũ, bà Mai sớm bắt nhịp với cuộc sống mới, nhiệt tình trong các phong trào ở địa phương.
Rồi bà được tín nhiệm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Bí thư Chi bộ thôn. Thực hiện lời dạy của Bác, ở công việc nào bà cũng cố gắng, cũng đi đầu làm gương, cũng luôn quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh.
Cách đây 4 năm, bà Mai nhận thấy trên địa bàn xã Y Can có nhiều gia đình phát triển kinh tế từ nuôi gà nhưng mạnh ai người nấy làm nên đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Suy đi tính lại, bà đã vận động các hộ cùng nhau thành lập hợp tác xã (HTX). 7 hộ gia đình tham gia HTX với quy mô chuồng trại khoảng 2.000 con gà/lứa.
Giữ vai trò là Giám đốc HTX, bà Mai cùng các thành viên bàn tính việc chăm sóc, đôn đáo với thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Giờ thì sản phẩm gà Y Can đã được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Trấn Yên, được người tiêu dùng đón nhận, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX. Một số CCB gây dựng được mô hình kinh tế chăn nuôi gà mang lại thu nhập ổn định.
Nhắc đến ông Trần Tường, người dân ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình luôn khâm phục ý chí vượt khó và tư duy làm kinh tế của người CCB giàu nghị lực. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Tường trở về quê hương với niềm tự hào là "lính Cụ Hồ”, ông tích cực tham gia công tác ở quê hương.
Ông mạnh dạn tập hợp mọi người thành lập HTX CCB chè Hán Đà nhằm giúp hội viên CCB trong xã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Là nơi có sản lượng chè nguyên liệu cao nhất huyện Yên Bình, cây chè vẫn giữ được vai trò của cây trồng chủ lực ở xã Hán Đà.
Tuy nhiên, để cây chè cho sản lượng cao hơn nữa, đạt chất lượng tốt hơn nữa luôn làm ông trăn trở. Nghĩ rồi ông xăng xái đi đầu trong việc cải tạo chè giống cũ thoái hóa sang giống chè mới có chất lượng hơn.
Tiếp đó, ông chủ động nhờ cậy các đội ngũ có chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong chăm sóc, chế biến chè. Thời gian dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè tại địa phương, ông Tường đến từng hộ thành viên để vận động các hộ cố gắng duy trì sản xuất.
Ông Tường chia sẻ: "Phần đa thành viên HTX là hội viên CCB nên tinh thần đồng chí, đồng đội luôn được phát huy. Chẳng ai lùi bước trước khó khăn và cùng quyết tâm làm giàu từ sản phẩm chủ lực của địa phương”. Hơn 8 năm phát triển, đến nay, HTX đã đưa ra thị trường sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm chè được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nhận cấp nhãn hiệu Chè xanh Hán Đà.
Theo ông Nguyễn Trung Thái - Chủ tịch Hội CCB tỉnh, trong thời gian qua, các hội viên luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vượt khó vươn lên, dám nghĩ, dám làm. Với phương châm không cam chịu đói nghèo, các cấp Hội cơ sở đã tích cực động viên cán bộ, hội viên CCB, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vươn lên trong cuộc sống và làm giàu. Toàn tỉnh có trên 1.400 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, kinh doanh giỏi; 650 mô hình doanh nghiệp, doanh nhân là CCB đã đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh có mức thu nhập trên 200 triệu đồng trở lên.
Kết quả đó càng tô thắm thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ” không khuất phục trước mọi hoàn cảnh, lan tỏa thêm tinh thần và ý chí vươn lên đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hoài Văn