Giải phóng mặt bằng đường nối huyện Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài- Lào Cai: Tuyên truyền đi trước

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/5/2023 | 7:45:10 AM

YênBái - Đường nối huyện Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài-Lào Cai có chiều dài 43 km với 268 hộ dân ở xã Chế Cu Nha và Nậm Có bị ảnh hưởng. Tất cả người dân thuộc diện thu hồi đất trong dự án đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, nhận thức còn hạn chế, nên công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu.

Đơn vị thi công thuộc gói thầu số 6 san gạt nền đường.
Đơn vị thi công thuộc gói thầu số 6 san gạt nền đường.


Để đảm bảo tiến độ thi công Dự án đường nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại IC15 đoạn qua địa bàn huyện Mù Cang Chải (gọi tắt là đường nối huyện Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài-Lào Cai), thời gian qua, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành của tỉnh, huyện Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công và cấp ủy, chính quyền 2 xã nằm trên tuyến đường đi qua đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: thực hiện Thông báo số 26/TB-UBND ngày 27/02/2023 của UBND tỉnh, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) dự án đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-HĐ để triển khai công tác GPMB và đã thành lập 4 tổ công tác với 30 thành viên tham gia gồm: 2 tổ xác định nguồn gốc đất và lập phương án bồi thường, còn lại 2 tổ phối hợp với các bên liên quan tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ còn lại. Đoạn đường đi qua địa bàn huyện Mù Cang Chải có chiều dài 43 km với 268 hộ dân ở xã: Chế Cu Nha và Nậm Có bị ảnh hưởng. 

Sau hơn 1 năm kể từ ngày khởi công, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời của các ban, sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện đã bám sát phương châm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, bất đồng, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân. 


Từ thực tế, tất cả người dân thuộc diện thu hồi đất trong dự án đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, nhận thức còn hạn chế, nên công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu thông qua tổ chức họp dân để triển khai giúp nhân dân nắm bắt, hiểu đầy đủ thông tin về công trình, dự án cũng như phương án bồi thường GPMB để người dân yên tâm chấp hành các chủ trương, chính sách về quản lý, thu hồi đất... nên đã góp phần thuận lợi trong quá trình bồi thường GPMB. 

Cụ thể, trong giai đoạn 1, đã phê duyệt bản đồ thu hồi đất đoạn từ Km 00 đến Km 12 và Km 23 đến Km 30 trong tháng 10/2022; đoạn từ Km 12 đến Km 23 cũng đã được phê duyệt bản đồ thu hồi đất vào tháng 3/2023; giai đoạn 2 từ Km 30 đến Km 43 đang thẩm tra bản đồ. 

Theo đó, trong các đoạn từ Km 00 đến Km 12 và đoạn từ Km 23 đến Km 30 sẽ thu hồi đất đai, tài sản của 207 hộ gồm 150 hộ có đất không nằm trong đất rừng phòng hộ nên tổ chức kiểm kê tài sản, xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường và hiện tại đã cơ bản giao một phần mặt bằng cho đơn vị thi công. 

Còn lại 57 hộ, gồm 27 hộ ở xã Nậm Có và 30 hộ ở xã Chế Cu Nha có diện tích đất xen kẹt nằm trong đất rừng phòng hộ đang tiếp tục được Hội đồng BTHTTĐC xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất để trình tỉnh xem xét giải quyết. Bên cạnh đó, công tác tạm ứng kinh phí để hỗ trợ đền bù tài sản, di chuyển mồ mả cũng được thực hiện, giúp các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ. 

Ông Trần Việt Anh - cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công đoạn Km 00 đến Km 4+300 chia sẻ: "Nhờ phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác bồi thường GPMB và đặc biệt là chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân bị ảnh hưởng để thực hiện hài hòa nên hiện tại đơn vị đã phá tuyến được hơn 1 km và làm đến đâu, người dân đều ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để thi công”. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện bồi thường, GPMB thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: sự hiểu biết về pháp luật, các chính sách về bồi thường, GPMB của người dân còn hạn chế; việc bồi thường, hỗ trợ còn chậm; một số đơn vị thi công trong quá trình thực hiện đã tự thỏa thuận với người dân để mở thêm các đường công vụ vào công trường nhưng còn chậm thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận, nên còn để xảy ra việc người dân cản trở quá trình thi công.

Từ những kết quả đạt được cũng như nhận rõ những khó khăn, vướng mắc trong bồi thường GPMB thời gian qua, để công tác bồi thường GPMB những diện tích còn lại được thực hiện hiệu quả, hạn chế thấp nhất những vướng mắc, cản trở trong nhân dân và sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công thì cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân; công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ cần được chủ động, kịp thời cũng như đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ trong các thỏa thuận riêng với nhân dân của các đơn vị thi công. 

Ngoài ra, để tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường GPMB, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm; giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất; đặc biệt là các thủ tục phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch...

Châu Á

Tags Giải phóng mặt bằng đường nối huyện Mù Cang Chải cao tốc Nội Bài- Lào Cai tuyên truyền

Các tin khác
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại Quốc hội

Chính phủ đã trình ra Quốc hội về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, áp dụng từ 1-7-2023 đến hết năm.

Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI của nông dân thôn Kim Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. (Ảnh:Nguyễn Xuân Hưng)

Vụ xuân 2022 - 2023, huyện Trấn Yên có 258 ha lúa/19 xã áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI). Theo đánh giá từ các hộ dân thực hiện mô hình, năng suất lúa tăng ít nhất 20 kg/sào, tăng 10% so với diện tích canh tác truyền thống.

Ông Nguyễn Xuân Triển ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đầu tư nuôi hươu sao bán nhung.

Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường trong việc tìm kiếm, tiêu thụ các sản phẩm từ vật nuôi, con đặc sản, nhiều hộ ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã đầu tư phát triển mô hình nuôi con đặc sản nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành chế biến măng tre Bát độ. (Ảnh: Thành Trung)

Huyện Yên Bình hiện có trên 300ha tre măng Bát độ, được trồng chủ yếu tại các xã: Mỹ Gia, Yên Thành, Xuân Lai, Cảm Nhân; trong đó, trên 200ha đang cho thu hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục