Nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, ông Vừ A Páo ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải không thể ngờ có ngày gia đình ông chuyển đổi từ trồng lúa theo truyền thống và kinh nghiệm sang trồng lúa Séng cù chất lượng cao và áp dụng khoa học kỹ thuật.
Ông Páo chia sẻ: "Vụ xuân thì trồng lúa lai để nhà ăn còn vụ mùa thì tôi trồng Séng cù để bán. Khi trồng bán thì phải khác, phải quan tâm đến việc cung cấp dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh và nhu cầu của thị trường. Vì thế, tôi đã sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật đúng dòng, có nguồn gốc sinh học, phun đủ liều lượng theo hướng dẫn của cán bộ và tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ để tạo ra sản phẩm an toàn. Giờ đây, 1.500 m2 ruộng của gia đình cho thu gần 7 tạ thóc Séng cù, đã có đầu ra ổn định, thu về 10 triệu đồng”.
Việc đồng bào dần từ bỏ thói quen sản xuất lúa gạo nhỏ lẻ, manh mún sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để có điều kiện liên kết sản xuất lớn, đã đạt "điều kiện cần” để gạo Séng cù Hồ Bốn tham gia Chương trình OCOP. Hiện nay, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Hồ Bốn đang chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ để nâng cấp sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. HTX đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất thóc Séng cù, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc bà con sản xuất theo quy trình an toàn.
Anh Hờ A Song - Giám đốc HTX chia sẻ: "Năm ngoái, chúng tôi đã bán được 1 tấn gạo thông qua mạng xã hội và các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh. Nhưng do chưa được công nhận bởi các tổ chức, cơ quan Nhà nước, nhiều khách hàng cũng lăn tăn về sản phẩm nên bỏ lỡ một số đầu mối, số lượng bán ra chưa nhiều. Bởi vậy, trước mắt chúng tôi lấy OCOP làm tiêu chuẩn, tiếp tục hoàn thiện việc kiểm nghiệm mẫu đất, nước, phân tích các chỉ tiêu chất lượng, bao bì, nhãn mác sản phẩm... phấn đấu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trong năm nay”.
Hiện nay, Chương trình OCOP đang được các chủ thể quan tâm và coi đó là tiêu chuẩn để nâng tầm sản phẩm lúa gạo ở nhiều mặt cả về chất lượng lẫn hình thức, mẫu mã, bao bì. Ngoài ra, tham gia Chương trình OCOP còn có sự đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền, ngành chức năng về thủ tục pháp lý, về các giấy tờ, hồ sơ, được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Đến hết năm 2022, trong 191 sản phẩm đạt OCOP, toàn tỉnh có 11 sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao như: gạo Séng cù, gạo nếp Tan, nếp Lào Mu, nếp 87... Từ OCOP, ngày càng có nhiều cánh đồng lúa hữu cơ, lúa an toàn đặc sản đã hình thành, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước hình thành mối liên kết tiêu thụ hiệu quả.
Anh Hoàng Văn Hưng - Giám đốc HTX Kinh doanh, sản xuất dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy - chủ thể 2 sản phẩm gạo nếp Lẩu cáy và gạo nếp cẩm nương Trạm Tấu đạt sản phẩm OCOP 3 sao cho biết: "Hiện nay, HTX hình thành được vùng sản xuất lúa lên tới 30 ha với trên 100 hộ đồng bào tham gia sản xuất tại 6 xã trên địa bàn huyện. Song song với việc kiểm soát từ đầu vào đến thu hoạch, chúng tôi cam kết thu mua thóc cho bà con. Năm vừa rồi, được công nhận sản phẩm OCOP, tuy chưa có các đơn vị tiêu thụ ký hợp đồng lớn nhưng chúng tôi cũng tìm được một số đầu mối tiêu thụ nhỏ mới với sản lượng xuất bán ra thị trường khoảng 40 tấn gạo/năm.
Với năng suất bình quân của nếp lẩu cáy đạt từ 4 - 5 tấn/ha, nếp cẩm nương đạt 2,3 - 2,7 tấn/ha, trung bình mỗi ha nếp lẩu cáy, nông dân thu nhập 100 triệu đồng, nếp cẩm nương là 70 triệu đồng khi chưa trừ chi phí”.
Trong quá trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo, OCOP sẽ giúp các đơn vị bước đầu xây dựng được hệ thống sản xuất theo chuỗi và quy trình sản xuất khoa học tiến bộ, đúng tiêu chuẩn, đặt nền móng cho những hợp đồng lớn tại thị trường khó tính trong tương lai.
Hoài Anh