Những năm gần đây, việc phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm
OCOP đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn xã Y Can. Nhiều hộ dân trong xã đã ứng dụng thành công tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi liên kết khép kín, áp dụng quy trình tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn xã đã hình thành vùng chăn nuôi gia cầm tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi với nhau. Đến nay, toàn xã đã có gần 50 trang trại, gia trại chăn nuôi gà với quy mô từ 2.000 con/lứa đến 20.000 con/lứa, giúp nhiều hộ dân ổn định đời sống và vươn lên làm giàu.
Đặc biệt, từ khi sản phẩm gà đồi của huyện Trấn Yên được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Quyền sở hữu trí tuệ, những hộ chăn nuôi gà xã Y Can tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giữ vững thương hiệu, đưa sản phẩm vươn xa.
Với kinh nghiệm gần 10 năm chăn nuôi gà và nắm bắt nhu cầu của thị trường tiêu thụ, gia đình anh Nguyễn Văn Chung ở thôn Quyết Thắng đã đầu tư chuồng trại, tìm nguồn giống tốt để chăn nuôi với quy mô 4.000 con/lứa. Với giống gà mía có thời gian chăn nuôi là 5 tháng, cân nặng tối đa mỗi con chỉ từ 2 - 2,2 kg lại được thả dưới tán đồi quế nên thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bên cạnh đó, anh Chung còn luôn tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, kín gió vào mùa đông...
Nhờ đó, đàn gà của gia đình luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Không chỉ chăn nuôi tốt, anh Chung còn biết ứng dụng công nghệ số trong tiếp cận thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của gia đình anh luôn có thị trường tiêu thụ ổn định với mức giá hiện tại gần 70.000 đồng/kg, thời điểm giá cao 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Chung cho biết: "Gà của gia đình tôi nói riêng và của xã, của huyện nói chung đã có thương hiệu nên gia đình không những duy trì mà còn thường xuyên phải nâng cao chất lượng. Để làm được việc đó, trong chăn nuôi tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình VietGAP từ khâu chọn con giống đến thức ăn và tiêm phòng”.
Không chỉ có sản phẩm gà đồi, xã Y Can còn xây dựng được 3 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là rau cải mơ, rau cải ngọt và rau cải mèo. Chị Nguyễn Thúy Giang ở thôn Hạnh Phúc chia sẻ: "Trước đây, người dân chúng tôi chỉ trồng rau ngoài bãi và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết cho nên năng suất và sản lượng không cao, không trồng được rau trái vụ nên giá trị kinh tế cũng thấp. Từ khi đầu tư nhà lưới, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn vì đã trồng được các loại rau trái vụ. Không những vậy, rau được trồng trong nhà lưới còn xanh tốt, phát triển đồng đều hơn rau được trồng theo hướng truyền thống, chi phí sản xuất thấp do hạn chế được ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết, sâu bệnh”.
Cùng với đó, người trồng rau ở đây còn ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, cây xanh băm ủ hoai mục thay thế cho phân hóa học. Thuốc bảo vệ thực vật thì phải phun đúng loại, cách ly đủ ngày, thậm chí bằng kinh nghiệm từ thực tế, người dân nơi đây còn tự ủ, tự pha chế thuốc bảo vệ thực vật từ ớt, tỏi, gừng, thuốc lào, bột quế để diệt trừ sâu bệnh hại 1 cách hiệu quả.
Với cách làm này, lượng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm 70%, phân bón giảm 50% so với canh tác truyền thống. Sản phẩm rau sạch của xã luôn được thị trường ưa chuộng, sản xuất đến đâu có đơn đặt hàng đến đó.
Ông Nguyễn Thanh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Y Can cho biết: "Trong thời gian tới xã tiếp tục quan tâm tìm kiếm thị trường, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn”.
Việc phát huy lợi thế của địa phương để xây dựng thành công các sản phẩm OCOP cho sản phẩm chủ lực trên địa bàn xã, Y Can đã và đang từng bước tạo được thương hiệu đối với người tiêu dùng. Đây cũng là tiền đề vững chắc để thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần để Y Can đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Hồng Duyên