Dưới cái nắng tháng 6 chói chang gần 40 độ C, chị Trần Thị Hoa ở tổ dân phố Thác Hoa 3, thị trấn Sơn Thịnh xót xa nhìn hơn 2 ha chè của gia đình đang dần khô héo do thiếu nước.
Chị Hoa cho biết: "Giờ này, mọi năm, gia đình đang tích cực chăm sóc và chuẩn bị cho thu lứa chè thứ 3. Vậy mà, năm nay, thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, mưa ít nên các diện tích chè của gia đình bị thiếu nước trầm trọng. Gần 40% diện tích chè của gia đình đã bị cháy táp lá. Gia đình cũng đã tích cực chăm sóc, may mắn thì khoảng chục ngày nữa, gia đình mới được thu lứa chè đầu tiên sau lứa tạo tán, nhưng cũng không phấn khởi gì bởi năng suất cả 2 lứa mới bằng 1/3 thời điểm này năm ngoái”.
Thị trấn Sơn Thịnh hiện có hơn 410 ha chè đang trong thời kỳ thu hoạch; trong đó, hơn 90% diện tích chè được cải tạo, thay thế chè trung du già cỗi, năng suất thấp bằng các giống chè lai LDP1, LDP2 có năng suất, sản lượng cao.
Mục tiêu phấn đấu năm 2023, sản lượng chè búp tươi của thị trấn đạt từ 5.000 tấn trở lên, song đến thời điểm này mới đạt hơn 1.100 tấn, bằng 20% kế hoạch, giảm gần 1.300 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giá chè thời điểm này cao hơn gần 1.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm, dao động ở mức trên dưới 4.000 đồng, vậy mà người dân không có chè để bán.
Thực trạng trên không chỉ diễn ra ở các xã, thị trấn khu vực vùng ngoài mà ngay cả các xã vùng cao và vùng thượng huyện. Thời tiết nắng nóng kéo dài, ít mưa từ giữa năm ngoái nên hầu hết các diện tích chè của địa phương đều rơi vào tình trạng khô hạn. Gia Hội là một trong những xã đầu tiên của huyện triển khai Đề án trồng chè Shan tuyết giâm cành.
Sau 7 năm triển khai, đến nay, diện tích chè toàn xã đạt 340 ha; trong đó, có 20 ha chè kiến thiết, còn lại là các diện tích đang trong thời kỳ thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 8,5 tấn/ha, giá chè ổn định ở mức cao, trung bình từ 8.000 - 9.000 đồng/1kg, tăng gần 3.000 đồng so với thời điểm trước. Tuy nhiên, sản lượng chè búp tươi của xã từ đầu năm đến nay mới đạt 1.950 tấn, bằng 50% kế hoạch đề ra.
Ông Lò Văn Tấn - Chủ tịch UBND xã Gia Hội cho biết: "Khô hạn kéo dài là một trong những nguyên nhân làm năng suất chè giảm. Hiện nay, chúng tôi đang tăng cường khuyến cáo người dân không bón phân cho cây thời điểm nắng nóng như hiện nay, tránh tình trạng cây chè bị nóng gốc, đặc biệt là phun thuốc trừ sâu rất dễ gây táp lá, ảnh hưởng rất lớn tới khả năng phục hồi của cây chè”.
Không chỉ người dân đau đáu khi nhìn chè bị khô hạn mà các cơ sở sản xuất cũng "im tiếng máy”, bởi tuy thu mua với giá rất cao nhưng người dân không có chè để bán. Ông Bùi Văn Hùng - chủ cơ sở sản xuất, chế biến chè Hùng Bích, xã Nậm Búng cho biết: "Cơ sở sản xuất bập bõm, không có nguồn nguyên liệu để sản xuất, nhiều đơn đặt hàng phải hoãn lại do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều cơ sở sản xuất hiện nay, bởi chúng tôi phải chia, phân bổ nguồn chè với nhau nhằm duy trì sản xuất”.
Văn Chấn có hơn 4.620 ha chè, sản lượng chè búp tươi bình quân hàng năm đạt từ 48.000 tấn trở lên. Năm nay người dân thu hái chậm gần 2 tháng so với dự tính, nhà máy thì không có chè để sản xuất, sản lượng chè của huyện cũng giảm. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng chè búp tươi của huyện mới đạt 18.500 tấn, bằng 36,5% kế hoạch năm. Cùng với sâu bệnh hại, tình trạng nắng nóng kéo dài chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sản lượng chè của huyện đạt thấp.
Để khắc phục tình trạng này, một số giải pháp tạm thời được người dân triển khai. Với diện tích chè gần nguồn nước, người dân đã đầu tư đường ống nước trải ngầm để tưới cho cây chè. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, nguồn nước khan hiếm nên cũng chỉ giải quyết được một phần nào giúp duy trì sự sống của cây chè, tất cả đều đang trông chờ vào thời tiết.
Cùng với đó, huyện cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đưa những giống chè mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn tốt vào trồng, nhằm duy trì, giữ vững vùng chè vốn có, đưa ngành chè ở Văn Chấn phát triển.
Quang Sơn (Trung tâm TT-VH Văn Chấn)