Văn Chấn vào vụ chè

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/5/2023 | 3:13:00 PM

YênBái - Cuối tháng 5 là thời điểm những đồi chè Văn Chấn xanh ngắt, mơn mởn vào vụ thu hái. Để đảm bảo năng suất, chất lượng chè búp tươi, ngoài việc chính quyền địa phương vận động người dân tập trung thu hái, phía doanh nghiệp, thương lái cũng tập trung thu mua cho bà con.

Để tránh cái nắng gay gắt mùa hè, từ sáng sớm, bà con đã lên đồi chè. Cùng với hái chè bằng tay theo cách truyền thống, nhiều bà con đã sử dụng máy hái chè để giải phóng sức lao động, giảm chi phí cũng như tăng năng suất. Ông Mai Công Quyết, thôn Thác Hoa, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn cho hay: "Trước đây chúng tôi hái thủ công, nhưng nay đa số đã sử dụng máy hái chè. Hái tay để đạt sản lượng 4 tấn chè/ngày thì phải cần đến trên 30 lao động, nay chỉ cần 3 người vận hành máy là đã đạt sản lượng mong muốn. Việc sử dụng máy cũng giúp gia đình tôi có nhiều hơn thời gian đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất và mở rộng diện tích chè”.


Bà con nông dân sử dụng máy hái chè để giải phóng sức lao động, giảm chi phí cũng như tăng năng suất.

Rộ mùa thu hái, bà con nông dân liên tục chở chè búp tươi đến bán nên Công ty TNHH Linh Thuận, thôn Kè, xã Đại Lịch gần như không có thời gian trống. Với 14 lao động, Công ty TNHH Linh Thuận chuyên sản xuất chè đen xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nga. Bình thường Công ty đạt công suất 25 tấn - 30 tấn chè/ngày. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay mới đạt khoảng 1/3 nhu cầu do không đủ nguyên liệu. Vì vậy, Công ty luôn nỗ lực bao tiêu sản phẩm cho người dân cũng là để đáp ứng hướng phát triển mới của doanh nghiệp. 

Ông Đỗ Văn Dùng - Giám đốc Công ty TNHH Linh Thuận, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn thông tin: "Đại Lịch là địa phương có vùng nguyên liệu rất tốt, chất lượng chè được các đơn vị thu mua đánh giá cao. Hiện, Công ty đang thu mua của bà con với giá từ 32.000 - 36.000 đồng/kg, giá cả ổn định so với năm ngoái. Cùng với sản phẩm chè đen, dự kiến trung tuần tháng 8, Công ty sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất chè xanh và cho ra đời sản phẩm mới, đạt tiêu chuẩn OCOP. Việc phát triển nhãn hiệu chứng nhận sẽ trở thành một định hướng quan trọng giúp Công ty nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tổ chức sản xuất, phát triển thị trường”. 


Bà con chở chè búp tươi đến bán tại Công ty TNHH Linh Thuận, thôn Kè, xã Đại Lịch.

Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh Yên Bái với trên 4.600 ha. Trong 5 tháng đầu năm 2023, huyện đã trồng mới 46,8 ha các giống chè Shan, chè nhập nội, chè lai tại các xã: Gia Hội, Bình Thuận, Sùng Đô... Sản lượng chè tươi 5 tháng đạt gần 20.000 tấn. Với hơn 50 cơ sở thu mua chế biến chè, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đang liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân để chế biến thành chè đen xuất khẩu và các sản phẩm chè xanh, hồng trà, bạch trà, hoàng trà cho giá trị cao. Năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng thêm 5 sản phẩm chè OCOP nâng tổng số toàn huyện lên 13 sản phẩm chè OCOP với những chính sách cụ thể. 


 Vùng chè Shan tuyết Suối Giàng được thu mua với giá trên 30.000 đồng/kg, vùng chè Shan tuyết Gia Hội, Nậm Búng được thu mua với giá 7.000 đồng - 10.000 đồng/kg để chế biến thành các sản phẩm chè xanh, hồng trà, bạch trà, hoàng trà có giá trị cao.

Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Chấn cho biết: "Ngành nông nghiệp đã tích cực tham mưu cho huyện chỉ đạo nhân dân tích cực trồng cải tạo chè, nâng cao giá trị cây chè, đầu tư thâm canh chăm sóc cũng như chỉ đạo các công ty doanh nghiệp hướng vào nâng cao giá trị sản phẩm, đổi tư duy từ sản xuất chè đen sang sản xuất chè xanh, chè giá trị cao. Cùng với đó, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và xây dựng các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị cây chè”.

Để tiếp tục xây dựng thương hiệu chè, huyện Văn Chấn tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chè xanh chất lượng cao.

Sản xuất chè năm nay thuận lợi về thời tiết nhưng giá vật tư, phân bón tăng cao, trong khi giá thu mua nguyên liệu cho bà con chưa được như mong muốn. Xác định gắn bó lâu dài với cây chè nên người dân vẫn tích cực đầu tư, chăm sóc, thu hái. Để tiếp tục xây dựng thương hiệu chè, huyện Văn Chấn tuyên truyền người dân tích cực canh tác chè theo hướng hữu cơ, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, xây dựng vùng sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm; duy trì các chứng nhận VietGAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, xây dựng các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử… giúp gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người trồng chè, góp phần khẳng định vị thế cây trồng truyền thống chủ lực của kinh tế địa phương. 

Thanh Chi - Mạnh Cường

Tags Yên Bái chè Shan Suối Giàng Văn Chấn chè Bình Thuận Gia Hội OCOP

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục