Làm gì để "vực dậy" chợ truyền thống?

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/6/2023 | 12:55:06 PM

YênBái - Chợ Yên Bái nói riêng và các chợ truyền thống nói chung, trước đây được xem là hình thức thương mại chủ lực của đô thị thì đến nay hoạt động với lượng khách hàng bị thu hẹp nghiêm trọng bởi sự cạnh tranh gay gắt của nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, chợ truyền thống cần được đổi mới về không gian, môi trường và cả phương thức kinh doanh.


Chợ Yên Bái, hay còn gọi là chợ Ga, từng được coi là trung tâm mua sắm không chỉ của người dân thành phố mà còn hút lượng lớn du khách thập phương. Buôn bán ở chợ là nghề và là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình hàng nghìn tiểu thương và người lao động.

Thời hoàng kim, nhà nào có vài sạp hàng buôn bán ở chợ thì chẳng khác gì đại gia. Nhưng thời đó đã xa, còn giờ đây nhiều tiểu thương mòn mỏi đợi khách, có người ngồi cả ngày chỉ bán được vài món hàng, thậm chí, không bán được gì.

Bà Phạm Thị Thúy than thở: "Vắng khách lắm! Có hôm từ sáng đến trưa mà không có người mở hàng. Giờ mình muốn chuyển nhượng cũng khó khăn, vì nhìn tình cảnh ế ẩm này, ai muốn đến buôn bán”.

Bà Tống Mai Hương buôn bán ở chợ này từ năm 1983 cho biết: "Ngày xưa, bán từ sáng đến tối mà vẫn không ngơi tay và còn tạo thêm việc làm thêm cho 2 - 3 người phụ bán. Giờ đây, ngay chính bản thân chúng tôi còn thất nghiệp, làm không đủ ăn. Hôm qua, nắng như thế, cố ngồi cả ngày bán được 150.000 đồng tiền hàng thì không đủ nộp tiền điện, tiền thuế… Phần vì yêu nghề, phần vì có tuổi mà giờ chuyển đổi sang làm việc khác cũng khó nên đành túc tắc qua ngày”.


Nhàn rỗi, các tiểu thương ngồi tán gẫu, lướt điện thoại, cuốn vàng mã giết thời gian và kiếm thêm thu nhập. Thu không đủ bù chi phí, khiến nhiều tiểu thương buộc phải bỏ chợ. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này có cả trăm ki - ốt nhưng chỉ còn chừng hơn 20 ki - ốt còn bán hàng. Số còn lại đóng cửa, treo thông báo di dời cửa hàng hoặc treo biển chuyển nhượng. Không chỉ khu vực bán hàng quần áo, mà cả những sạp hàng thiết yếu khác cũng chung cảnh đìu hiu, vắng khách.

Tại khu vực bán thực phẩm tươi sống, cả dãy dài hơn chục quầy bán thịt lợn, thế mà cũng chỉ còn vẻn vẹn 2 phản thịt đang bày bán.

Bà Ngô Thị Loan hơn 30 năm bán thịt lợn ở đây cho biết: "Trước đây, mỗi ngày bán 3 - 4 con lợn hết bay, nhưng giờ có 20 kg thịt, vậy mà bán từ sáng đến chiều cũng không hết”. Thời sung túc, đông đúc của chợ Yên Bái dường như chỉ còn trong hoài niệm của các tiểu thương ở đây.


Câu chuyện về sự hụt hơi ở chợ Yên Bái, có lẽ cũng là tình trạng chung của các chợ truyền thống ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các đô thị hiện nay. Trước đây, chợ truyền thống được xem là hình thức thương mại chủ lực của đô thị, nay bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng.

Tại thành phố Yên Bái, các siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt là các chuỗi cửa hàng tiện lợi "phủ sóng” khắp các khu dân cư khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm mạnh với trước đây. 


Trong khi đó, xu thế "chuộng” siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng trở nên phổ biến với người dân bởi hàng hóa đa dạng, phong phú, có xuất xứ rõ ràng, giá cả niêm yết công khai. Cùng đó, không gian mua sắm thoáng mát, sạch sẽ lại liên tục có các chương trình ưu đãi giá, dịch vụ chăm sóc khách hàng mà ở chợ truyền thống hầu như không có.

"Mình không thể cạnh tranh với các siêu thị được. Chợ thì xập xệ, hàng hóa thì lác đác. Trong khi đó, siêu thị hàng hóa có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tốt hơn ở chợ” - bà Triệu Cẩm Thúy - tiểu thương chợ Yên Bái bày tỏ.

Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ, khiến xu thế người tiêu dùng cũng thay đổi. Đa phần giới trẻ ngày nay mua hàng bằng hình thức online nên chẳng còn mặn mà với chợ truyền thống. Ngoài ra, người tiêu dùng thường chọn mua hàng thông qua mạng online, điện thoại được các loại thực phẩm sạch, ngon, tiện lợi, tiết kiệm được thời gian đi chợ sau giờ làm. Điều này, khiến sức mua tại nhiều chợ sụt giảm, nhất là từ sau đợt dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, dù xu thế người tiêu dùng có thay đổi thì chợ Yên Bái hay các chợ truyền thống ở đô thị vẫn có lượng khách hàng của riêng mình. Bởi vì, đối với nhiều người, chợ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán hàng hóa đơn thuần mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin.

Cùng đó, chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh như: chi phí thuê mặt bằng thấp, nhiều mặt hàng chỉ ở chợ mới có. Tuy nhiên, ưu thế này sẽ không trở thành lợi thế nếu các chợ truyền thống không chủ động thay đổi để thích nghi mới xu thế của thời đại theo hướng văn minh, hiện đại. Vì vậy, đã đến lúc chợ cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường ngăn nắp, thay đổi cơ cấu sản phẩm, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho phù hợp với xu hướng người tiêu dùng.

Nói như nhiều tiểu thương ở chợ Yên Bái: "Chúng tôi vẫn có khách hàng của riêng mình. Quan trọng là chợ cần nâng cấp, cải tạo làm sao cho khang trang lên để thu hút khách, bố trí các ngành hàng phù hợp, phong phú với nhu cầu phát triển. Có người không có chỗ ngồi nhưng có những người có từ 7 - 8 ô để làm kho; việc phòng cháy chữa cháy thì không an toàn, hàng mã còn xếp trên tầng 2... Nếu không thay đổi mà cứ tình trạng xập xệ thế này thì thật sự lãng phí”.

Sự nâng cấp cải tạo là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là sự thay đổi phong cách và phương thức bán hàng của ngay chính các tiểu thương. Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, tiểu thương cũng phải biết tận dụng công nghệ số, ưu thế Internet để bán hàng trực tuyến.

Cùng đó, thái độ lịch sự, vui vẻ của tiểu thương cũng là yếu tố quan trọng để hút khách hàng. Nếu không thay đổi để thích nghi với xu thế của thời đại thì chợ ga Yên Bái hay nhiều chợ truyền thống khác mãi chỉ là "sân sau” và thu gom lượng khách hàng "rơi vãi” từ các cửa hàng tiện lợi và khi đó đồng nghĩa với tuổi thọ các chợ này ngày càng ngắn đi.

Bài, ảnh: Văn Thông
Đồ họa: Thành Trung

Tags Chợ Yên Bái thương mại du khách tiểu thương công nghệ số

Các tin khác
Sau các điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới đây.

Các quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chưa thể ngay lập tức kéo giảm lãi suất cho vay do độ trễ chính sách nhưng xác lập rõ xu hướng mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ hạ nhiệt rõ rệt trong thời gian tới.

Chính phủ thống nhất không đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh minh họa.

Chính phủ thống nhất không đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Nông dân Lục Yên thu hoạch lúa xuân. (Ảnh: Văn Tuấn)

Mặc dù sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến khá phức tạp (giá rét, mưa to, dông lốc, sâu bệnh gây hại...) nhưng nhờ triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ sản xuất, Yên Bái vẫn đạt năng suất lúa xuân cao hơn so với vụ xuân năm trước.

Lãnh đạo xã Nậm Lành trao đổi với nhân dân thôn Ngọn Lành về việc bê tông hóa đường nông thôn.

Huyện Văn Chấn đang tập trung huy động mọi nguồn lực với mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 1 xã hoàn thành xã NTM nâng cao; đến năm 2025 cơ bản các xã trong lộ trình cán đích và tiến hành xây dựng huyện NTM trong giai đoạn 2025 - 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục