Chiều 24/6, với 482 đại biểu tán thành (chiếm 97,57% số đại biểu), Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5, trong đó quyết nghị giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1/7 đến hết năm 2023.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 21/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị ĐBQH về dự thảo Nghị quyết này. Kết quả đã nhận được 432 ý kiến của các vị ĐBQH. Có 342 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Nghị quyết; 90 ĐBQH cơ bản tán thành và góp ý thêm đối với một số nội dung.
Đối với các ý kiến đề nghị bổ sung quy định Chính phủ có giải pháp thanh toán chi phí mua thuốc, thiết bị vật tư y tế từ quỹ BHYT, trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đảm bảo được thuốc, thiết bị vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi của người khám chữa bệnh tham gia BHYT. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là nội dung có tính quy phạm pháp luật, chưa được thực hiện theo quy trình, thủ tục của luậtu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ để trình Quốc hội trong thời gian tới.
Liên quan đến giảm thuế VAT, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế VAT sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu NSNN, Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu NSNN các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm trước”, Chủ nhiệm Bùi Văn Cường nói.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế VAT như dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (nếu có).
Đối với đề nghị làm rõ khả năng bố trí nguồn vốn của tỉnh Bình Thuận cho dự án hồ chứa nước Ka Pét đến năm 2025, cho phép trồng rừng thay thế trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất để gắn việc trồng rừng thay thế với tạo việc làm cho người dân địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, HĐND tỉnh Bình Thuận đã thông qua Nghị quyết phân bổ 368,856 tỷ đồng cho dự án, và cam kết dành nguồn vốn dự phòng của địa phương chi cho phần tăng thêm của dự án nếu phát sinh. Về trồng rừng thay thế, Ủy ban Thường vụ tiếp thu ý kiến của ĐBQH và thể hiện như trong dự thảo Nghị quyết.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, có ý kiến Quốc hội chỉ nên quyết định chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNN Việt Nam (Agribank) với số vốn thực nộp và thực tăng, không quyết định số vốn quá cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện của Chính phủ.
"Trong quá trình thảo luận, đa số ĐBQH tán thành với đề xuất của Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank và giới hạn số vốn tối đa được cấp là 17.100 tỷ đồng. Dự thảo Nghị quyết không quy định số liệu cụ thể mà chỉ nêu số vốn bổ sung tối đa, giao Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, quy mô bổ sung vốn điều lệ cụ thể. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ nguyên như quy định tại dự thảo Nghị quyết”, Chủ nhiệm Bùi Văn Cường đề nghị.
(Theo VOV)